Thursday, April 18, 2024

Không người mua, nông dân nhiều tỉnh nhổ bỏ hàng trăm tấn rau, củ

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Chỉ riêng một tổ dân phố ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, đã có khoảng 400 tấn rau, củ các loại của nông dân phải phá bỏ vì giá thấp, không có thương lái thu mua…

Trong gần một tháng qua, người dân tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đã phá bỏ khoảng 400 tấn rau, củ các loại vì không có người mua, mặc dù mức giá bán rất thấp, có loại giá chỉ khoảng 20,000 đồng (86 cent)/10 kg, không đủ chi phí thu hoạch.

Nông dân ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, nhổ bỏ rau, củ các loại. (Hình: Cao Nguyên/Người Lao Động)

Nói với báo Người Lao Động, ông Bùi Duy Bình, tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, cho biết ở tổ có 170 gia đình chuyên trồng rau với diện tích khoảng 30 hécta. Tuy nhiên từ Tết Nguyên Đán đến nay, hầu hết các gia đình đều phải nhổ thứ mình trồng đem cho gia súc, gia cầm ăn hoặc phá bỏ vì không có người mua.

Bà Nguyễn Thị Phụ (ở tổ dân phố Tân Tiến) cho biết hơn 20 năm chuyên trồng rau, giờ bà Phụ mới thấy cảnh giá rau rớt thấp “chưa từng có” nhưng vẫn không thể bán được.

Còn ông Lê Văn Khang cho hay đến nay gia đình đã nhổ bỏ khoảng 4 tấn rau các loại. Riêng vườn cà chua hơn 1,800 mét vuông đang chín bói, ông phải cắt mang ra chợ bán lẻ với giá rẻ như cho chỉ 10,000 đồng (43 cent)/10 kg, vì không có thương lái đến mua như các năm trước.

Giải thích về nguyên nhân trên, ông Phạm Quang Mười, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Cư M’gar, cho biết Tân Tiến là vựa rau trọng điểm của địa phương. Những năm trước, người dân rất khá giả nhờ trồng rau, tuy nhiên thời gian gần đây do cung vượt cầu và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến tình trạng rau rẻ, không thể tiêu thụ.

“Đợt lũ cuối năm ngoái, rau không trồng được nên giá lên cao. Từ đó, người dân ào ạt trồng rau dẫn đến việc cung vượt cầu, ế ẩm,” ông Mười nói.

Tương tự, cũng như nhiều tỉnh thành ở phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng…, nhiều gia đình ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, cũng như thương buôn thiệt hại, thua lỗ nặng nề vì hàng trăm tấn củ cải, cà chua đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có người mua.

Nói với báo Dân Việt, ông Trần Văn Khang, phó chủ tịch xã Tráng Việt, cho biết theo thống kê sơ bộ, hiện ở xã còn khoảng 200 tấn củ cải, 100 tấn cà chua đến vụ thu hoạch có giá rất rẻ cần được tiêu thụ.

Bà Hoa, một nông dân ở xã Tráng Việt, cho biết năm nay nhiều người dân ở xã bị thiệt hại nặng, thua lỗ. Toàn bộ phân bón, giống được Hợp Tác Xã cho vay tiền mua khi nào thu hoạch bán trả. Vì vậy, giờ nhiều gia đình không bán được củ cải nhưng vẫn phải trả nợ.

“Tôi trồng rau củ tại đây từ nhỏ tới giờ nhưng năm nay thiệt hại nặng nề, chỉ mỗi đợt rau từ Tháng Tám năm ngoái được giá một chút, còn lại đều thua lỗ,” bà Hoa nói.

Bán không ai mua, nông dân ở Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, xót xa mang đổ bỏ củ cải. (Hình: Gia Khiêm/Dân Việt)

Không chỉ người dân xã Tráng Việt mà nhiều thương lái tại đây cũng “ôm đầu” khi thu mua thua lỗ. Chị Lương Thị Thắm (30 tuổi), một thương lái, buồn bã cho biết năm nay gia đình chị thiệt hại hơn 400 triệu đồng ($17,393), do trước Tết đặt mua 6 mẫu củ cải, với giá 10 triệu đồng ($434)/sào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá củ cải giảm mạnh chỉ còn chưa đến 2,000 đồng (86 cent)/10kg, người mua ít khiến thua lỗ nặng.

“Tôi mất hơn một mẫu đã đặt tiền mua nhưng do không thu hoạch kịp khiến củ cải bị già. Giờ cũng chỉ thu hoạch ở những ruộng củ còn ngon. Làm nghề thu mua này đã năm năm nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng nề như năm nay. Nhà tôi kinh doanh nhỏ lẻ chứ tôi biết có cơ sở thiệt hại tiền tỷ,” chị Thắm nói. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT