Thursday, March 28, 2024

Kinh doanh tại Việt Nam: Phải bôi trơn nhiều cửa ngách

HÀ NỘI (NV) – Tuy đưa ra chính sách “một cửa” để giản dị hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy kinh tế nhưng các doanh nghiệp lại phải “bôi trơn nhiều cửa ngách” mới tới được cửa chính.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội nói với báo chí về thực trạng kinh doanh tại Việt Nam hiện đang có số lượng doanh nghiệp dẹp tiệm ngày mỗi nhiều hơn trước. Tin tức từ mấy ngày nay cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao đột ngột, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Những cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa mang được hiệu ứng tích cực. Trong thời đại cả thế giới chuyển động nhanh như vậy mà Việt Nam vài năm trời vẫn tranh cãi là điều kiện kinh doanh bỏ cái gì, không bỏ cái gì thì làm sao mà cạnh tranh được với thế giới?” Báo Lao Động hôm Thứ Hai, 15 Tháng Mười, 2018, thuật lời bà Phạm Chi Lan nói với báo giới.

Trước những đả kích của giới đầu tư ngoại quốc về thủ tục hành chính, luật lệ cồng kềnh phức tạp nhiều tầng nấc, chế độ Hà Nội đã đưa ra chính sách “một cửa” để đơn giản hóa thủ tục. Trên nguyên tắc là vậy, nhưng đó chỉ là bề ngoài nên nhiều người từng phê bình là tuy gọi “một cửa” nhưng lại có “nhiều khóa.” Bà Phạm Chi Lan gọi là “nhiều cửa ngách” để đám quan chức nhà nước có cơ hội kiếm chuyện mà vòi vĩnh “bôi trơn.”

“Ví dụ về cơ chế một cửa, các doanh nghiệp cho biết muốn thông qua một cửa đó, thì trước đó phải bôi trơn các cửa ngách thì đến cửa cuối cùng mới thông qua được. Các bộ, ngành nói cải thiện, bỏ bớt điều kiện kinh doanh nhưng thực tế thì phiền nhiễu vẫn còn nhiều lắm,” bà Phạm Chi Lan được dẫn lời nói trên tờ Lao Động.

Bà dùng thí dụ vừa kể để giải thích một trong những lý do khiến số lượng doanh nghiệp nội địa ngày càng chết nhiều hơn trước.

Tờ Đất Việt dẫn thống kê của Cục Quản lý Đăng Ký Kinh Doanh-Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nói, “Trong 9 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước là 11,536 doanh nghiệp, tăng 32.1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong Quý III/2018 có 4,907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48.3% so với Quý II/2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017.”

Tờ Đất Việt dẫn lời bình luận phân tích của Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh, đổ tội cho số doanh nghiệp chết mỗi ngày một nhiều hơn là do “chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường” nhất là “quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường.”

Dù thống kê của nhà nước đưa ra các con số doanh nghiệp nội địa chết mỗi ngày nhiều hơn, ông Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ, nhân dịp “Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam 13 Tháng Mười” vẫn khoe rằng mục tiêu Việt Nam đạt được số lượng một triệu doanh nghiệp là con số “không quá tầm tay.”

Bà Phạm Chi Lan cho con số đó “còn rất xa” nếu không muốn nói là ảo tưởng trong khi Tổng Cục Thống Kê chỉ ghi nhận Việt Nam có khoảng 500,000 doanh nghiệp “hoạt động kinh doanh được.”

Năm ngoái, ngày 11 Tháng Bảy, 2017, tờ Đất Việt dẫn báo cáo của Bộ Tài Chính CSVN kêu rằng “ngân sách hụt thu nặng vì doanh nghiệp phá sản” quá nhiều. Nay số doanh nghiệp chết yểu gia tăng, thu ngân sách nhà nước không thể không bị ảnh hưởng. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT