Tuesday, April 23, 2024

Lạc hậu, quản lý yếu kém, đường sắt Việt Nam nợ lương 11,300 nhân viên

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lạc hậu, quản lý lòng vòng khiến ngành đường sắt Việt Nam không được giao dự toán ngân sách hằng năm để bảo trì hạ tầng nên thiếu kinh phí hoạt động và nợ lương hơn 11,300 nhân viên.

Theo báo VNExpress, ngày 14 Tháng Tư, lãnh đạo tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) cho hay đã có kiến nghị “Khẩn” gởi đến thủ tướng CSVN về “những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.”

Ngành đường sắt Việt Nam hiện lạc hậu, nợ lương công nhân và có nguy cơ đóng cửa. (Hình: Viết Long/Pháp Luật TP.HCM)

Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2,800 tỷ đồng ($121.52 triệu) để “duy tu đường sắt và trả lương” cho hơn 11,300 nhân viên. Thế nhưng bốn tháng qua, VNR vẫn chưa được giao vốn khiến các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân, không có tiền mua vật tư duy tu, bảo trì. Nhân viên chỉ được tạm ứng một phần lương để “duy trì cuộc sống.”

Ông Vũ Anh Minh, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên VNR, cho biết việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và “nguy cơ cao” là các công nhân tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì cuộc sống khó khăn, và họ vốn là những người có thu nhập rất thấp.

“Từ lâu, ngành đường sắt Việt Nam đã gặp vô vàn khó khăn bởi hạ tầng đường sắt xuống cấp, lạc hậu. Gần đây, ngành tiếp tục đối diện với vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết Tháng Tư và nếu không được giải quyết sớm thì buộc phải tạm dừng chạy tàu,” ông Vũ Anh Minh cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên VNR “kêu cứu” vì thiếu vốn duy tu. Hồi đầu năm 2020, VNR đã không được Bộ Giao Thông Vận Tải giao dự toán ngân sách, nên không có tiền chi trả cho các đơn vị quản lý hạ tầng và nợ lương công nhân trong nhiều tháng.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là VNR đã chuyển về Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước, không còn trực thuộc Bộ Giao Thông nên bộ này “không tiếp tục giao vốn do đơn vị đã ở ngoài ngành.”

Để gỡ rối, giới hữu trách đã dùng phương án “tháo gỡ tạm thời” bằng cách để Cục Đường Sắt thuộc Bộ Giao Thông ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp của VNR, giao vốn duy tu sửa chữa. Tuy nhiên đến năm 2021, phương án giao vốn như thế nào vẫn chưa được “tháo gỡ.”

Lãnh đạo VNR kiến nghị chính phủ CSVN nên giao thẳng vốn cho tổng công ty như các năm trước đây để doanh nghiệp “điều hành tập trung, tránh cấp trung gian,” thay vì làm theo đề án “Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt,” do Bộ Giao Thông trình chính phủ mà theo đó Cục Đường Sắt được giao vốn bảo trì sau đó mới giao về cho VNR.

Công nhân tuần đường làm việc trên cung đường sắt qua Hà Nội. (Hình: Anh Duy/VNExpress)

Theo định kỳ đầu năm, Bộ Giao Thông sẽ giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR để chi trả cho các đơn vị hạ tầng và đến cuối năm quyết toán. Năm 2019, ngân sách đã chi trả khoảng 2,500 tỷ đồng ($108.49 triệu) cho nhân lực bảo trì đường sắt. Năm 2020 là 2,800 tỷ đồng ($121.52 triệu).

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng Bộ Giao Thông, cho hay: “Hiện Ban Cán Sự đảng của Bộ Giao Thông đang họp xem xét vấn đề này theo hướng đồng thuận nhận lại VNR để giải quyết những khó khăn cấp bách. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn chạy tàu cho người dân, doanh nghiệp trên cơ sở đúng pháp luật hiện hành.”

Hiện ngành đường sắt Việt Nam có hơn 11,000 nhân viên trong khối hạ tầng, bảo đảm tuần đường, gác chắn trên 1,519 đường ngang và 3,143 cây số đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài Việt Nam. Tất cả số nhân viên này được trả lương từ ngân sách nhà nước thông qua VNR. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT