Việt Nam

Bà Lê Thị Vân Anh, ‘người mẹ’ của những trẻ khiếm thị ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lần đầu trông thấy những đứa trẻ khiếm thị, cô nghệ sĩ đàn bầu lúc ấy mới ngoài 20 tuổi đã bật khóc. Từ đó đến nay, cô trở thành “người mẹ” dành cả cuộc đời mình và những điều tốt đẹp nhất cho những “đứa con” không may mắn.

Kể với báo Thanh Niên, nghệ sĩ đàn bầu Lê Thị Vân Anh (53 tuổi), “người mẹ” của nhiều em khiếm khuyết nhớ lại, có lần một người bạn khiếm thị là giáo viên trường Khiếm Thị Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, thành phố Sài Gòn) ngỏ ý dắt bà vào trường thăm các học sinh và thử dạy nhạc.

Năm đó chỉ mới hai mấy tuổi, vốn sống ít ỏi, trong hiểu biết của bà Vân Anh không có hình dung rõ ràng về những người khiếm thị nên những mảnh đời trong ngôi trường ấy đã khiến bà ngỡ ngàng.

“Một người thầy khiếm thị dắt tôi đến lớp rồi để tôi ở đó làm quen với các em. Lần đầu tiên trông thấy các em, tôi bàng hoàng, cái cảm giác lạ lắm! Đứa ‘nhìn’ Đông, đứa ‘nhìn’ Tây, những đôi mắt dáo dác chẳng ai giống ai. Một vài em nhốn nháo: ‘Mày ơi, cô đâu rồi mày? Cô hình ra làm sao mày? Cô cao hay thấp, đẹp hông ta? Cô đâu nhỉ, tụi mình giỡn um sùm vầy coi chừng cô xuống méc thầy đó,’” bà Vân Anh kể.

Lúc ấy, bà Vân Anh đứng ngay cạnh những đứa trẻ không may mắn, nhưng chúng chẳng hay biết. Không kiềm được cảm xúc, bà bước vội ra ngoài ban công, rồi bật khóc thành tiếng một lúc rất lâu.

Một tiết mục văn nghệ với hàng chục người khuyết tật được bà Anh hướng dẫn, dàn dựng. (Hình: Thanh Niên)

“Chẳng được học cách dạy cho các em, tôi chỉ biết mang cái tâm ra để làm điều đó. Tôi cũng không biết chữ nổi, đành chỉ cho các em bằng cách đọc đi đọc lại nốt nhạc, cầm tay chỉ phím. Tôi dạy các em tất cả những nhạc cụ dân tộc, từ đàn bầu, sáo trúc, đàn T’rưng… May mắn thay, tôi truyền được cảm hứng cho các em. Nhiều trong số đó đã tỏa sáng trong các cuộc thi âm nhạc, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống,” bà Vân Anh cho biết.

Sau khi dạy ở trường Khiếm Thị Nguyễn Đình Chiểu hơn hai năm, bà Vân Anh bắt đầu đi diễn khắp nơi. Ban ngày, bà đứng trên các sân khấu, tối lại trở về quán cơm chay của mình.

Bà vẫn thường xuyên làm từ thiện bằng những lần phát cơm cho các bệnh viện nhi, bằng những chuyến đi khắp Sài Gòn và các tỉnh để biểu diễn âm nhạc tại các trường học với thù lao tượng trưng, thậm chí là miễn phí. Đồng thời, bà cũng tập trung vào các mái ấm, các cơ sở, các sự kiện văn nghệ dành cho trẻ khuyết tật.

Nhưng rồi cũng đến lúc bà nghĩ mình phải làm một cái gì đó ý nghĩa hơn nữa cho các em. Bà quyết định cưu mang những đứa trẻ khiếm khuyết có hoàn cảnh khó khăn nhất mà bà từng biết.

Các con của bà, người mồ côi, người còn cha, người lưu lạc. Bà lần lượt đón về nhà, dạy cho làm đồ thủ công để bán, kiếm thêm thu nhập. Chỉ chưa đến 1 năm, 6 mảnh đời đã được bà cưu mang. “Chúng gọi tôi là ‘mẹ’, không có niềm hạnh phúc nào bằng việc mình có những đứa con đầy nghị lực như thế…,” bà Vân Anh xúc động nói.

Đám cưới của hai bạn trẻ đều khiếm thị được bà Anh nuôi dạy, nhưng may mắn đứa con chào đời lại hoàn toàn bình thường. (Hình: Thanh Niên)

Để các em khỏi mặc cảm, bà Vân Anh tìm cách tạo việc làm. “Nói là cho các con làm đồ bán, chúng sẽ không mặc cảm. Chứ thực sự lúc các con kết châu, kết cườm thành hình con vật, cái đầu thì gắn xuống đuôi, cái cánh thì mọc ngược, được bấy nhiêu mà bán. Tiền đó mình sẽ trả, miễn là các con tự tin để sống,” bà cười nói.

Thế nhưng hiện tại, căn nhà ở Quận 1 của bà đã sắp bị giải tỏa, bà đành gửi nhờ các con sang nhà những người thân. Bà tạm thuê một căn nhà khác ở Quận 7 để ở cùng vợ chồng em Châu và em Ở, vốn là hai bạn trẻ khiếm thị bà đã cưu mang.

“Trước đó, tôi đã tác hợp cho hai con và tổ chức một lễ cưới ấm cúng. Giờ tôi có cháu ngoại rồi đó nha, 4 tuổi rồi, đang ở nhà Châu cho bà ngoại ruột chăm ở Bến Tre. Cả Châu và Ở đều là những đứa trẻ thiếu đôi mắt nhưng tràn trề niềm tin sống, khiến ngay cả chúng ta cũng phải học hỏi nhiều,” bà Vân Anh kể về hai con.

Hôm phóng viên báo Thanh Niên tìm đến nhà thăm bà Vân Anh và các con, bà nói anh Ở chơi cho nghe một bản nhạc, bản gì cũng được. Ở ngẫm nghĩ một lúc, rồi tay dò dẫm phím đàn, miệng ngân nga những câu hát: “Ơn đức sinh thành, làm con phải nhớ…”

Hát xong, cậu đưa tay lau nước mắt, nói: “Nếu không có mẹ, chắc con đã không đủ sức sống đến ngày hôm nay. Cậu ‘nhìn’ về hướng bà đang đứng. Tôi tin cậu đã trông thấy bà bằng trái tim của mình.”

Giờ đây, chỉ còn đợi ổn định chỗ ở, bà Vân Anh sẽ tiếp tục đón thêm những đứa con khác về. Sẽ tiếp tục có những đứa trẻ không may mắn được vực dậy niềm tin sống, được tự hào nói rằng: “Cuộc đời lấy đi của con đôi mắt, nhưng may mắn thay, còn cho con có mẹ…” (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút phía góc phải bên dưới của khung video.
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Obama và Clinton giúp Biden gây quỹ kỷ lục $25 triệu

Chiến dịch gây quỹ cho Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Năm, 28 Tháng Ba…

7 mins ago
  • Hoa Kỳ

Andy Kim thắng, giáng một đòn vào hệ thống tuyển cử Đảng Dân Chủ

Dân Biểu Andy Kim (Dân Chủ-New Jersey) gần như chắc chắn trở thành ứng cử…

44 mins ago
  • Hoa Kỳ

Puerto Rico báo động bệnh sốt xuất huyết, đã có hơn 500 ca nhiễm

Bộ Y Tế Puerto Rico ghi nhận ít nhất 549 trường hợp mắc bệnh và…

50 mins ago
  • Hoa Kỳ

Gần 600 vùng nước ở Iowa bị suy giảm phẩm chất

Trong số khoảng 1,400 đoạn sông, suối và hồ được kiểm tra trên khắp tiểu…

57 mins ago
  • SỨC KHỎE

Phụ nữ mắc bệnh thận sau khi đi duỗi tóc ở Tunisia

Các chuyên gia y tế đang cảnh cáo về tác dụng phụ tiềm ẩn của…

1 hour ago
  • Thế Giới

Hạ Viện Thái Lan thông qua luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Hạ Viện Thái Lan tiến hành bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới…

1 hour ago

This website uses cookies.