Wednesday, April 24, 2024

Lễ Vu Lan, mùa ăn chay phổ biến nhất của người Sài Gòn và miền Nam

SÀI GÒN, VIỆT NAM (NV) –  Dù qua bao biến cố tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, nhưng mỗi năm đến tháng Bảy Âm Lịch – Lễ Vu Lan, là người miền Nam và Sài Gòn lại vô mùa ăn chay.

Dấu hiệu đầu tiên của mùa ăn chay là các tiệm quán bán thức ăn chay từ sáng tới khuya luôn đông khách. Người miền Nam còn gọi ăn chay là ăn lạt, ăn tương. Thật ngộ khi lớp người cố cựu không ưng người khác gọi mình là người ăn chay mà chỉ nhận là người ăn lạt hay ăn tương.

Đương nhiên tập tục ăn chay của dân miền Nam vốn có gốc rễ sâu bền từ tín ngưỡng truyền thống, nhưng hơn hết vẫn là văn hóa từ đạo làm người nên giữ sự khiêm cung, tránh khẩu nghiệp khoe khoang dù chỉ khoe mình ăn chay trường hay ăn chay theo lịch cố định trong tháng, năm.

Ngày xưa dân miền Nam còn có các ông đạo, người tu tâm tại gia chỉ ăn trái cây chín. Có người lại vừa ăn trái cây chín, vừa ăn những rau đậu nào mà xưa nay con người dùng ăn sống không qua chế biến trên lửa như rau má, dưa leo, cải bẹ… vì quan niệm rằng đã nấu nướng thì không còn hạp với lẽ tự nhiên, hơn nữa nấu nướng làm cho cây trái giảm bớt tinh chất vốn có của nó.

Ăn chay phổ biến nhất là ăn các loại thực vật qua xào, nấu, nướng như cách dùng thực phẩm mặn thường ngày, nếu kỹ tính hơn thì không sử dụng hành, hẹ, tỏi… gọi chung là gia vị nặng mùi và dễ kích thích.

Thực phẩm chay chế biến từ thực vật trong nước làm nên các món chay và các truyền thống đang được ưa chuộng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhưng trong cộng đồng vẫn có tín ngưỡng cho phép ăn thực vật kèm với những thứ không có máu như mật ong, sữa bò, thậm chí cả tôm, tép, nghêu, vọp, đuông… vì bằng mắt thường người dân gian cho rằng đây là những thứ không có máu, dù thực tế thì những loài sinh vật này có máu màu trắng, xanh.

Nói chung người ăn chay dù theo tín ngưỡng nào, cách nào cũng thuần thành ý thức tâm nguyện sống cho hạp với đạo Trời và đạo làm Người mà hạn chế hoặc tránh sát sanh, tôn trọng lẽ công bằng của tạo hóa. Bàn cho phân minh về từng quan niệm ăn chay từng khuynh hướng của cả cộng đồng là việc đa chiều phức tạp, đôi khi dễ cực đoan cố chấp, trong khi ăn chay lại vốn là tinh hoa của sự dinh dưỡng giản dị mà tinh khiết.

Nhà thơ Phù Sa Lộc, sống ở Cần Thơ tâm sự: “Thế hệ tôi ngày xưa ở miền Tây thì ăn chay theo mùa nào thức nấy. Gần Tết Nguyên Đán xoài non tượng hình. Xoài sống trộng trộng là gọt vỏ, rửa sạch, bằm, gọt cho vô dĩa, xịt nước tương, dằm ớt, trộn đều, đã có bữa cơm ngon. Vừa chua vừa mặn vừa cay cay. Tết là mùa dưa hấu. Chỉ với vài miếng dưa hấu đỏ là no bụng. Qua Tết, xoài chín là món không thể thiếu trong bữa cơm chay. Chuối xiêm và mận cũng được làm thành thức ăn. Tất cả đều được ăn với nước tương. Có lẽ nhờ vị mặn của nước chấm nầy mà bữa ăn chay không thấy ngán.”

Cũng có cùng một ký ức về ăn chay ngày xưa, một ông thầy giáo già ở Lữ gia, quận 11 kể. Giáo chức ở Sài Gòn trước 1975, nhờ đồng lương mà ai cũng có mức sống trung bình, vậy nên dù ăn chay ngắn ngày hay chay trường, cái món sang trọng nhất, đáng nhớ nhất là hương vị nước tương Maggi, thứ nước tương lừng danh nhập khẩu này thơm ngon tới mức chỉ cần xịt vô chén cơm nóng hay thậm chí xịt vô ổ bánh mì không nhưn cũng khiến mình như được ăn một bữa chay thượng hạng.

Cái kỷ luật ăn chay của người miền Nam xưa là kỷ luật tự nguyện. Ngày nay một phần dân Sài Gòn và nhiều đô thị lớn ở miền Nam vẫn giữ nền nếp tự nguyện ăn chay và đa số chọn ăn chay mỗi tháng hai ngày mùng một và ba mươi Âm Lịch, riêng Tháng Bảy và Tháng Mười thì ăn thêm nguyên tháng hoặc nửa tháng.

Hai món căn bản và lâu đời của người ăn chay miền Nam vẫn là tương hột và chao. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cứ đến mùa ăn chay Tháng Bảy Âm Lịch thì số người ăn chay ở miền Nam và Sài Gòn lại tăng cao nhất trong năm. Thêm một điều thú vị về cách giới trẻ và cả người sính lối sống thời thượng, họ đã dần dần từ bỏ các loại thực phẩm chay tên mặn như heo quay, cánh gà, tôm càng… sử dụng hóa chất tạo vị và mùi nhập cảng từ Đài Loan hay Trung Quốc mà quay lại với các món chay có cách chế biến truyền thống lâu đời.

Ngoại trừ một số quán chay bình dân, đa phần các nhà hàng chay có thương hiệu hiện đều có giá cả không hề thấp, có món cao hơn các món mặn thường.

Ngày nay với đa số người trẻ Sài Gòn, mùa ăn chay là dịp họ lên mạng hoặc hỏi thăm nhau để khám phá thêm các điểm bán đồ ăn chay hay các chùa, đình đãi món chay lạ, ngon. Người xưa gọi kiểu ăn chay này là ăn chay đụng (đụng gì ăn nấy).

Trên nhiều con đường ở Sài Gòn như Lê Quang Định, Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Phú Nhuận), Lê Hồng Phong (quận 10), Trần Đình Xu (quận 1)… đâu đâu cũng có quán chay và đúng ngày rằm Tháng Bảy thì chùa nào cũng có đãi tiệc chay, chùa gốc Bắc thì món chay Bắc, gốc Trung thì món chay Trung…

Qua đó gần như đủ minh chứng một điều là nghệ thuật chế biến thức ăn truyền thống cũng như hiện đại Việt Nam vốn từ gốc cội đã ít thịt, cá… mà luôn nhiều nguyên liệu thực vật, nên suy ra thực đơn món chay Việt phong phú và ngon lành vô cùng phù hợp với trào lưu ẩm thực dưỡng sinh hiện đại đang hình thành trong cộng đồng. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT