Tuesday, April 23, 2024

LHQ quan ngại về công nhân Samsung và nhà hoạt động công đoàn ở Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Ba, Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo bày tỏ quan ngại về các mối đe dọa của chính quyền CSVN nhắm vào người lao động trong hai nhà máy Samsung Electronics và các nhà hoạt động công đoàn tại Việt Nam.

Thông cáo cho hay một số nhà hoạt động đã bị đe dọa và quấy rối sau khi lên tiếng về điều kiện lao động “tồi tệ, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại” tại hai nhà máy Samsung ở Khu Công Nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và Khu Công Nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Trong mối quan tâm của họ là việc tại các nhà máy ở KCN Yên Phong, Bắc Ninh và KCN Phố Yên tỉnh Thái Nguyên.

Một báo cáo do Trung Tâm Nghiên Cứu Về Giới, Gia Đình và Môi Trường Trong Phát Triển (CGFED) và tổ chức chức phi chính phủ IPEN của Thụy Điển công bố chỉ ra rằng công nhân nhà máy Samsung không được thông báo đầy đủ hoặc đào tạo để tự bảo vệ mình trước hóa chất độc hại được dùng trong dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử. Một số nữ công nhân được khảo sát báo cáo việc họ bị sẩy thai, mệt mỏi và ngất xỉu.

Giới chức Việt Nam được ghi nhận đang điều tra những người làm báo cáo này. Theo thông cáo của Liên Hiệp Quốc, những người thu thập dữ liệu cho báo cáo “phải lên làm việc với cơ quan chức năng.”

Trong khi đó, tác giả chính của báo cáo, bà Phạm Thị Minh Hằng, phải “trình diện” ngày 19 Tháng Ba, 2018, sau khi dự họp về các biện pháp bảo vệ trước hóa chất độc hại ở Stockholm, Thụy Điển.

Các chuyên gia lao động đang yêu cầu Samsung Vietnam giải thích về cáo buộc rằng công nhân trong các nhà máy bị đe dọa kiện tụng nếu họ nói chuyện với những người bên ngoài về điều kiện làm việc.

“Đe dọa các nhà hoạt động công đoàn và công nhân không chỉ là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và biểu hiện, mà còn giúp cho những người/tổ chức lạm dụng và vi phạm quyền của người lao động không bị trừng phạt. Những hành động như vậy làm suy yếu các nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng của chính phủ [CSVN] và các công ty về việc tôn trọng nhân quyền theo hướng dẫn khung về kinh doanh và quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Nếu không có sự minh bạch và không gian an toàn để tranh luận công khai về vấn đề này, việc lạm dụng có thể tăng lên và các thủ phạm có thể sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm,” thông cáo viết.

Hồi Tháng Mười Hai, năm 2017, ông Bang Hyun Woo, phó tổng giám đốc Samsung Electronics Vietnam được báo điện tử Dân Trí dẫn lời: “Báo cáo của IPEN chưa có cơ sở khoa học mà mang tính quy chụp, bởi chỉ phỏng vấn 45 người trong số 160,000 lao động tại Samsung Vietnam rồi đưa ra kết luận. Nhiều nội dung trong báo cáo đều sai sự thật và tùy tiện. Người của IPEN đã không hề đến thăm nhà máy Samsung Electronics Vietnam. Các nữ công nhân có thai không bị đối xử tệ, và môi trường làm việc đảm bảo an toàn về mặt hóa chất.”

Hồi Tháng Ba, năm 2017, báo Zing tường thuật: “Từng là xã nghèo, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp nhưng từ khi Samsung đặt nhà máy tại đây, đời sống người dân quanh Khu Công Nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh đã đổi thay nhanh chóng.”

Tờ báo cũng cho hay, tại nhà máy Samsung Electronics Vietnam ở Bắc Ninh có khoảng 44,000 công nhân, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng ($308 đến $352)/tháng, và lên 9-10 triệu đồng ($396 đến $440)/tháng nếu tăng ca. Tổng số nhân viên của Samsung Electronics tại Việt Nam là gần 110,000 người.

Cũng cần nói thêm, các nhà hoạt động công đoàn ở Việt Nam là đối tượng bị nhà cầm quyền CSVN gây khó dễ, thậm chí phạt tù.

Hôm 16 Tháng Ba, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động công đoàn vừa được Hoa Kỳ vinh danh là “nữ anh hùng nhân quyền” nhân tháng tôn vinh phụ nữ. Bà Hạnh là đồng sáng lập Phong Trào Lao Động Việt để cổ võ cho các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Bà từng bị 4 năm tù giam vì khuyến khích công nhân tại các nhà máy biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Bà được trả tự do hồi Tháng Sáu, năm 2014. (T.K.)

Thêm 26 người Việt bị bắt khi tìm cách lẻn vào Đài Loan

MỚI CẬP NHẬT