Thursday, March 28, 2024

Lũ lụt, thủy điện xả lũ làm 11 người chết, 6 người còn mất tích

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thiên tai phối hợp với nhân tai đã làm thiệt mạng 11 người và còn sáu người ghi nhận mất tích không kể những thiệt hại to lớn về tài sản vật chất chỉ trong mấy ngày vừa qua.

Tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật căn cứ vào “báo cáo nhanh” của các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An, cho hay “thiệt hại tính đến hết ngày 1 Tháng Chín, mưa lũ đã làm 11 người chết (Sơn La một người, Yên Bái một người, Lạng Sơn một người, Hòa Bình một người, Thanh Hóa bảy người). Hiện còn sáu người tại tỉnh Thanh Hóa mất tích.”

Bên cạnh các thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng, “mưa lũ còn khiến 297 nhà ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An bị sập đổ, thiệt hại; 828 nhà phải di dời khẩn cấp; 3,978 ha lúa, hoa màu, thiệt hại; hàng chục ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị cô lập, chia cắt, hư hỏng nặng nề do ngập và sạt lở đất, đá.”

Không thấy báo chí trong nước tường thuật gì về các đập thủy điện miền núi phía Bắc xả lũ ra sao. Chỉ thấy họ nói đến các vụ xả lũ hối hả với lưu lượng lớn nước của các đập thủy điện nhỏ tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang làm người dân tại hai tỉnh này khốn đốn.

Dự báo thời tiết cho thấy “Mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc còn kéo dài đến đêm 3 Tháng Chín,” nên các đập thủy điện nhiều phần sẽ còn tiếp tục xả lũ để tránh vỡ đập.

Tờ Người Lao Động đưa tin công an huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An đã “triệu tập 6 người” bị cáo buộc “tung tin thủy điện Bản Vẽ vỡ khiến nhiều người hoảng sợ, tháo chạy lên núi lánh nạn.” Nhưng tin đập thủy điện Bản Vẽ “tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn 4.200 m3/giây” là có thật và làm ngập lụt một khu vực dân cư rộng lớn.

Hàng ngàn người dân Nghệ An tháo chạy lên núi do “tin đồn” nhưng tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Chín cho biết nhà cầm quyền huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa đã “phải tổ chức sơ tán 1,574 hộ đến nơi an toàn” khi nước sông Bưởi “vượt mức báo động 3 gần một mét.” Sông Bưởi chảy qua các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, và cả thành phố Thanh Hóa “nước lũ lại dâng cao, gây ngập nhiều nơi.”

Thủy điện Trung Sơn đặt tại xã Trung Sơn huyện Quan Hóa trên thượng nguồn sông Mã nhằm “cung cấp điện và kiểm soát lũ cho các vùng hạ lưu của tỉnh Thanh Hóa nhưng sợ vỡ đập đã phải liên tục xả lũ.

Ngày 31 Tháng Tám, 2018, tờ Lao Đông đưa tin “Do mưa lớn trong nhiều ngày, cộng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ khiến nước sông Mã dâng nhanh và cao vượt đỉnh lũ 2007, hàng nghìn hộ dân tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã phải sơ tán trong đêm. Nhiều gia đình không kịp mang theo tài sản, cuồng chân chạy lũ.”

Báo Lao Động thuật lời một người địa phương tên Nguyễn Văn Hợi (45 tuổi, trú tại tổ 1, thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nước lũ dâng nhanh chưa từng thấy. Đặc biệt, rạng sáng ngày 31 Tháng Tám, lũ dâng từng phút. “Ở đây, ngót nửa đời, tôi chưa từng trải qua cơn lũ nào lớn như thế, may còn giữ được mạng sống. Chẳng biết rồi đây, tôi cùng nhiều gia đình khác sẽ sống sao khi tất cả tài sản đều bị chìm và cuốn theo dòng nước.” (TN)

Phần lớn người đi làm ở Mỹ hài lòng với công việc hiện tại

MỚI CẬP NHẬT