Thursday, March 28, 2024

Tốn hàng ngàn tỷ nạo vét, tàu vẫn mắc cạn ở cửa sông Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sài Gòn chi gần 2,800 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Bỉ và vốn vay ưu đãi nạo vét luồng Soài Rạp nhưng tàu vẫn bị mắc cạn.

Đó là thông tin ông Ngô Minh Thuấn, phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết tại hội nghị “Nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ Sài Gòn đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ,” diễn ra tại Sài Gòn hôm 29 Tháng Chín, theo báo Tiền Phong.

Ông Thuấn cho biết, theo thiết kế luồng Soài Rạp được nạo vét đến độ sâu 9.5 mét, nhưng hiện nay luồng hàng hải này có những đoạn, vị trí rất cạn, tàu bè qua lại khá khó khăn. “Vừa qua đã có một tàu hàng mắc cạn không vào cảng được,” ông nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện công ty Tư Vấn Thiết Kế Biển, cho biết qua khảo sát, luồng Soài Rạp hiện nay nhiều đoạn chỉ đạt độ sâu 6.5 mét đến 8 mét.

Trước đó, theo chính quyền Sài Gòn, “luồng hàng hải Soài Rạp là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc phát triển kinh tế biển của địa phương và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách” nên đã lập dự án “Nạo vét luồng Soài Rạp” giai đoạn 1 và 2, dài 54 cây số, tổng diện tích 1,308 hécta mặt nước kéo dài từ Sài Gòn, Long An đến Tiền Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2,800 tỷ đồng (hơn $123 triệu) từ nguồn vốn ODA vay của chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của Sài Gòn 624 tỷ đồng.

Với độ sâu 9.5 mét, luồng hàng hải này cho phép tàu có trọng tải đến 50,000 tấn ra vào, giúp nhiều tàu lớn có thể cập vào khu vực cảng Hiệp Phước.

Tại hội nghị, giải thích lý do luồng Soài Rạp nông bất thường, ông Nguyễn Xuân Sang, cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, cho rằng khi nạo vét lần đầu vẫn tồn tại hoạt động của cảng nên một số đoạn chưa đạt đến độ sâu 9.5 mét.

“Do trình tự thủ tục kéo dài hơn một năm nên từ khi khảo sát đến lúc khởi công vị trí cần nạo vét đã bị bồi đắp. Nếu căn cứ vào khảo sát lúc vừa khởi công thì phải làm lại dự án từ đầu. Chính vì thế, luồng có một vài điểm không đạt độ sâu ngay sau khi thông luồng,” ông Sang nói.

Báo này cho hay, năm 2015, ủy ban thành phố Sài Gòn đã đề nghị Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư xem xét, vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư khác để tiếp tục thực hiện nạo vét giai đoạn 3, với tổng kinh phí 7,900 tỷ đồng (hơn $347 triệu) “nhằm nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu cho nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải trên 50,000 tấn ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT