Thursday, April 25, 2024

Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, mất chức ủy viên Bộ Chính Trị

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Đinh La Thăng, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, vừa bị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và loại ra khỏi Bộ Chính Trị, theo thông tấn xã Việt Nam và các báo trong nước.

Trong cuộc họp của Hội Nghị Trung Ương 5 tại Hà Nội hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Năm, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, trên 90% đại biểu bỏ phiếu thuận cho hình thức kỷ luật này với ông Thăng.

Theo báo Tuổi Trẻ, “sau khi nghe ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng, chủ nhiệm Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương, thay mặt Bộ Chính Trị đọc Tờ Trình về thi hành kỷ luật ông Thăng và nghe ông Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp Hành Trung Ương đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với tờ trình.”

“Ban Chấp Hành Trung Ương nhận thấy, ông Thăng, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo, nhưng trên cương vị ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương khoá X, bí thư đảng uỷ, chủ tịch hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009 – 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của đảng,” theo Tuổi Trẻ.

Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp Hành Trung Ương quyết định thi hành kỷ luật ông Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính Trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%), tờ Tuổi Trẻ tường thuật.

Theo Tuổi Trẻ, ông Đinh La Thăng sinh ngày 10 Tháng Chín, 1960 ở Nam Định, có học vị tiến sĩ.

Trong giai đoạn từ năm 1983 đến Tháng Mười, 2003, ông giữ nhiều vị trí tại tổng công ty xây dựng thuỷ điện Sông Đà như phó kế toán trưởng và kế toán trưởng.

Ngoài ra, ông còn là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đoàn, bí thư Đoàn Thanh Niên tổng công ty xây dựng thuỷ điện Sông Đà, bí thư đảng uỷ, và chủ tịch HĐQT tổng công ty Sông Đà.

Ông cũng là đại biểu quốc hội, ủy viên Ban Thường Vụ Công Đoàn Xây Dựng Việt Nam.

Sau đó, ông làm phó bí thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên – Huế.

Từ 2006 đến 2008, ông là bí thư Ban Cán Sự Đảng, chủ tịch HĐQT PVN.

Ông cũng được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương, rồi làm ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, phó bí thư PVN.

Tháng Tám, 2011, ông được cử làm bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải.

Tại Đại Hội Đảng lần thứ XII vào Tháng Giêng, 2016, ông được bầu vào cả ba cơ chế Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị, và Quốc Hội.

Ngày 5 Tháng Hai, 2016, ông được Bộ Chính Trị bổ nhiệm làm bí thư Thành Ủy Sài Gòn.

Như vậy, ông Thăng làm ủy viên Bộ Chính Trị vỏn vẹn chỉ có 16 tháng.

Hơn một tuần lễ trước Hội Nghị Trung Ương 5 khai mạc, ông Thăng bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng đề nghị kỷ luật liên quan đến những sai phạm xảy ra tại PVN, giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011.

Trước kỷ họp Hội Nghị Trung Ương hai ngày, báo Thanh Niên có đăng một bài dài nói về chuyện kinh doanh bê bối của PVN trong thời kỳ ông Thăng lãnh đạo tập đoàn, làm thất thoát khoảng $500 triệu.

Tuy nhiên, bài báo không bao giờ đề cập tên ông Thăng.

Việc một thành viên của Bộ Chính Trị bị đề nghị kỷ luật là chuyện hiếm xảy ra trong chế độ CSVN. Người ta thường chỉ thấy những người bị kỷ luật ở cấp bậc thấp hơn như ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy…

Hôm 3 Tháng Năm, bài bình luận trên tờ Nhân Dân viết “dạo đờn” và chuẩn bị dư luận rằng: “Những sai phạm ở PVN và các cá nhân liên quan là rất nghiêm trọng, vừa làm thất thoát khối lượng lớn tài sản nhà nước, vừa làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ và đội ngũ cán bộ của đảng, không thể không xử lý, kỷ luật.”

Ông Đinh La Thăng sẽ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như nhiều thuộc cấp của ông tại PVN hay không? Chưa thấy có dấu hiệu gì, dù một số tờ báo tại Việt Nam đã liệt kê những quyết định trái quy định của luật lệ, thậm chí “qua mặt” cả quốc hội khi quyết định đầu tư số tiền nhiều hơn $500 triệu và mất trắng.

Theo thông lệ, người giữ chức bí thư thành phố lớn nhất Việt Nam phải là ủy viên Bộ Chính Trị. Vì thế, sau khi bị loại ra cơ chế quyền lực cao nhất này, nhiều phần ông Thăng sẽ mất luôn chức bí thư thành ủy.

Chức bí thư thành ủy Sài Gòn từng đưa nhiều người leo lên vị trí “bộ tứ,” bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội, như các ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết, và Trương Tấn Sang. (Đ.D., TN)

MỚI CẬP NHẬT