Friday, April 19, 2024

‘Mẹo sống trong nhà tù CSVN’ của các nhà hoạt động từng bị giam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Luật Sư Lê Công Định và bốn nhân vật từng bị giam trong nhà tù CSVN vừa công bố văn bản chia sẻ “mẹo sống trong nhà tù CSVN” của chính họ.

Ngoài ông Định từng đi tù hơn ba năm, bốn nhân vật còn lại lần lượt là các nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Già (mãn án tù ba năm hồi Tháng Mười Hai, 2017), Phạm Thanh Nghiên (từng bị bốn năm tù giam), Đặng Bích Phượng (từng bị bắt lên đồn công an chín lần, một lần bị tạm giữ năm ngày, bị giam ở Trại Giam B14 Hỏa Lò ba ngày) và Ngô Duy Quyền (chồng của Luật Sư Lê Thị Công Nhân, bị câu lưu hồi năm 2011 và 2016).

Văn bản của những nhân vật nêu trên viết: “Năm anh chị em chúng tôi, những người đã từng vào tù mà chẳng có tội gì, ngay cả xét theo thứ luật của những kẻ bỏ tù chúng tôi. Nghiệm lại chúng tôi thấy các bản án đó chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là răn đe, tạo sợ hãi nơi những ai còn có lòng với đất nước và còn cảm được nỗi đau của bà con chung quanh. Hiện nay, hình ảnh ‘tù đày’ như cái hang đen ngòm. Chẳng ai biết chuyện gì xảy ra trong đó, ngoài hình ảnh người bị còng tay dẫn vào. Và khi không biết thì nỗi sợ nhân gấp đôi, gấp ba.”

“Chính vì thế mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn những gì chúng tôi đã trải qua, từ cảm xúc, suy tư, đến cả một ít mẹo sống tù. Hy vọng những dòng chữ chân thành này sẽ giúp bạn không còn thấy ‘cái hang đen ngòm’ kia quá ghê gớm nữa; sẽ giúp bạn chuẩn bị đối đầu với những kẻ xấu và đối diện với cảnh tù vì tương lai dân tộc,” văn bản ghi.

Văn bản này dẫn lời bà Đặng Bích Phượng: “Khi họ (công an, điều tra viên, chính quyền CSVN) đã cố tình khép tội ai đó, thì mọi lý lẽ đều vô nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, chưa một phiên tòa nào xử người muốn thực hiện quyền biểu đạt của mình, mà công lý được thực thi (từ việc đơn giản nhất là xử công khai nhưng đến người thân cũng không được vào dự phiên tòa). Bởi vậy khi thực hiện quyền con người trong chế độ độc tài này, phải biết chấp nhận cái giá phải trả.”

Ông Ngô Duy Quyền được ghi nhận ý kiến: “Tôi nhận thấy những hành xử của họ (công an) không hề dựa trên bất cứ cơ sở luật pháp nào. Những lý lẽ của họ chỉ là những lý sự cù nhầy, lươn lẹo và trơ trẽn của những kẻ sai ác nhưng lại nắm quyền hành. Họ chỉ còn duy nhất một thứ chiếm ưu thế áp đảo đó là bạo lực. Sau này, tôi tiếp tục tham gia nhiều cuộc biểu tình, chứng kiến các phiên tòa đấu tố những người bất đồng chính kiến hay cùng bạn hữu đến thăm viếng tư gia các cựu tù nhân lương tâm và trải qua thêm cả chục lần bị bắt bớ câu lưu. Phải thú nhận rằng, mỗi lần đối mặt với những hành xử bạo lực côn đồ của đám công an mật vụ thì cảm giác e sợ, hồi hộp hầu như chẳng bớt đi nhưng không vì thế mà tôi chùn bước hay thay đổi ý tưởng ban đầu.”

Ông Nguyễn Ngọc Già thì chia sẻ chi tiết hơn: “Nếu phải vào tù, ngay từ đầu, phải cho tất cả bạn tù biết, bạn không phải ‘tù bậy bạ.’ Ở Chí Hòa, cai ngục dung dưỡng tình trạng ‘đại bàng’ và ‘đầu mâm,’ cùng tình trạng ‘hối lộ,’ ‘chạy án’… rất hổ lốn và bạn đang sống như trong rừng rậm. Môi trường sống rất bẩn thỉu, họ giam cả người HIV/AIDS giai đoạn cuối (vì chơi ma túy) chung với người không bệnh. Khi cần thiết, bạn cũng cần hung tợn lên, nhưng tránh đánh nhau, vì sẽ rơi vào bẫy.”

“Người tù nên vui vẻ, ca hát, kể chuyện tiếu lâm, nói chuyện, chia sẻ những vấn đề thời cuộc hiện nay (thông qua việc đọc báo Nhân Dân và xem VTV)… Đừng kìm nén trong lòng, đừng xầm xì và lấm lét, câm bặt khi thấy bóng dáng công an. Bởi lâu ngày uất khí tích tụ, sẽ gây cho bạn đau dạ dày và trầm cảm nặng,” ông viết.

Bà Phạm Thanh Nghiên nêu ý kiến: “Bạn không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ. Cảnh giác với những lời khen của họ. Khi bạn thích được nghe điều tra viên, cai tù khen tức là bạn dần đánh mất khoảng cách với phe độc tài. Điều này rất nguy hiểm. Phải tỏ thái độ một cách quyết liệt khi họ nói xấu về bạn bè hay những người đấu tranh khác. Đây cũng là một trong những cách để công an đo lường nhân cách của bạn. Thích được khen, thích được hơn người khác chỉ là biểu hiện của một con người yếm thế, đố kỵ và dễ bị đốn ngã.”

“Chế độ CSVN thường hay đánh tráo khái niệm, vì thế, cần rạch ròi mọi khái niệm với họ trước khi tranh luận. Ví dụ ‘nhà nước’ với ‘đất nước.’ Điều tra viên sẽ buộc tội bạn chống lại nhà nước tức là chống lại đất nước và nhân dân. Tù nhân thường được cai tù, điều tra viên rỉ tai, tuyên truyền rằng bạn là ‘phản động,’ chống đảng CSVN (tức là chống nhà nước, đất nước) cho nên họ rất ác cảm với những người như bạn. Hãy cắt nghĩa cho họ hiểu các khái niệm trên và nhiều vấn đề khác,” bà viết.

Về phần mình, Luật Sư Lê Công Định chia sẻ trải nghiệm của ông: “Cơ quan an ninh thường sử dụng các ‘biện pháp nghiệp vụ’ trong quá trình làm việc hay điều tra. Các biện pháp đó thật ra chỉ là dụ dỗ, lừa dối, khích bác, đe dọa hay đánh đập mà thôi. Họ được đào tạo kỹ và giỏi bấy nhiêu ‘biện pháp nghiệp vụ’ đó mà thôi. Thiếu tỉnh táo và sợ hãi sẽ khiến chúng ta dễ dàng tin hoặc đầu hàng họ. Cách bảo vệ tốt nhất của chúng ta trước các ‘biện pháp nghiệp vụ’ như vậy chính là ‘quyền im lặng.’ Hãy im lặng, kể cả khi bị đánh đập. Khi họ phải dùng đến biện pháp đánh đập chúng ta, họ đang chứng tỏ sự đuối lý và thất bại của mình. Vì vậy, cứ tiếp tục im lặng!”

Ông cũng đưa ra lời khuyên cho các blogger và Facebooker gặp rắc rối vì đưa thông tin “không theo ý chính quyền:” “Cơ quan an ninh luôn yêu cầu bạn ký xác nhận tài khoản blog, Facebook, tài khoản email và các bài viết/thông tin đăng trên đó. Bất kể mọi lời dụ dỗ, lừa dối, khích bác, đe dọa hay hành động đánh đập nào từ phía cơ quan an ninh, chúng ta cần tuyệt nhiên không cung cấp mật khẩu, không thừa nhận tài khoản và nội dung bài viết/thông tin trong đó, cũng như không ký tên xác nhận trên bất cứ bài viết/thông tin, tài liệu hoặc chứng cứ nào do họ đưa ra hoặc in từ các tài khoản đó hay từ nguồn khác, bởi chữ ký của chúng ta sẽ là cơ sở pháp lý chống lại chính chúng ta. Tất nhiên cơ quan an ninh có thể quy chụp rằng chúng ta chống đối họ, nhưng hãy bình tĩnh trả lời rằng: ‘Các ông đang xâm phạm ‘quyền im lặng’ luật định của công dân!’” (T.K.)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thăm đền Karnark ở Ai Cập”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT