Thursday, March 28, 2024

Miền Tây mùa nước nổi nhưng không có nước

AN GIANG (NV) – Tờ Lao Ðộng vừa có phóng sự “Mùa này lũ lại không về” mô tả tình cảnh đồng bằng sông Cửu Long không có nước dù đang giữa “mùa nước nổi” – cách dân chúng khu vực này gọi mùa lũ.

Theo đó dù là đầu nguồn và đang giữa “mùa nước nổi” nhưng tuyến kênh Bảy Xã ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang – khu vực vẫn được ví von là “rốn lũ” của đồng bằng sông Cửu Long – không còn cảnh nước dâng cao, biến cả khu vực thành biển nước.

Bởi vẫn chỉ có những cánh đồng khô cằn, dân chúng huyện An Phú, tỉnh An Giang – nơi đầu tiên tiếp nhận cả nước và cá từ thượng nguồn sông Mekong tràn về đồng bằng sông Cửu Long – tiếp tục ngồi chơi, không có cơ hội đánh bắt tôm cá vì thiếu nước. Ðiều này đã từng xảy ra năm ngoái và đến năm nay đã trở thành tồi tệ hơn. Những cơ hội sinh nhai nhờ “mùa nước nổi” đã biến mất.

Tình trạng tương tự đang trải rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Có những nông dân ở Ðồng Tháp đã bỏ ra hàng tỉ đồng đào sẵn ao nuôi cá chờ nước về và giờ thì coi như mất trắng. Tuy nhiên thảm họa sẽ không chỉ ngừng ở đó. Nếu nước từ thượng nguồn không đổ về, sông rạch khô cạn thì nước mặn từ biển sẽ xâm nhập sâu hơn. Ðiều đó đồng nghĩa với không còn ruộng lúa, vườn tược, cá lồng,…

Ông Võ Thanh Quang, bí thư huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm ngoái, do không có “mùa nước nổi,” nước mặn tràn vào, chỉ tính riêng thiệt hại đối với mía. Năm nay, với thực trạng này, toàn bộ hoạt động sản xuất ở Cù Lao Dung sẽ bị đảo lộn.

Chủ một doanh nghiệp ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, người mà năm ngoái bỏ ra 100 tỉ để nuôi cá tra, cá ba sa nhưng do không có “mùa nước nổi,” nước bị nhiễm mặn, không những mất trắng mà còn nợ ngân hàng 14 tỉ, bảo với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng, mang nợ vì tôm cá thì chỉ có thể gỡ lại từ tôm cá nhưng nước như thế này thì coi như… xong!

Họa vô đơn chí, ngoài mất sinh kế, dân chúng đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối diện với nhiều thứ tai họa khác do thiếu nước. Tháng trước, khi đặt vó trên sông Cổ Chiên tại nơi cách biển đến 60 cây số, một nông dân ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bắt được… cá mập. Sự kiện này chưa từng có này được xem như hậu quả tất nhiên của việc sông Tiền, sông Hậu, thiếu nước từ thượng nguồn Mekong đổ về nên nước biển xâm nhập càng lúc càng sâu.

Rồi vì khai thác cát vô tội vạ trong khi không còn được phù sa bồi đắp, dòng chảy của sông rạch thay đổi, sạt lở nghiêm trọng đã diễn ra khắp nơi, đặc biệt tại những khu vực cuối nguồn.

Mời độc giả xem thêm video: Việt Nam: Bệnh viện tắc trách, cả ba mẹ con sản phụ thiệt mạng

Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường làm việc tại Ðại Học Cần Thơ cảnh báo, nếu trong tương lai lũ không đổ về đồng bằng sông Cửu Long thì toàn bộ khu vực này có nguy cơ sụt lún. Theo ông Ni, đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhờ lũ mang phù sa về bồi đắp. Lũ là một phần quan trọng đối với hệ sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long. Không có lũ, thiếu phù sa, xâm thực từ biển sẽ dữ đội hơn. Vài năm nay, từ khi lũ giảm, mỗi năm, biển ngoạm vào đất Cà Mau khoảng 15 mét, có nơi đến 50 mét.

Ông Lê Anh Tuấn, viện phó Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu của Ðại Học Cần Thơ thì chỉ ra một nguy cơ khác, không có lũ, thiếu phù sa, độ màu mỡ giảm, chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ tăng, nông sản phải dùng thêm phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật thì xuất cảng nông sản sẽ khó khăn hơn.

Ông Mai Văn Trịnh, viện trưởng Viện Môi Trường Nông Nghiệp, xác nhận, chất lượng đất tại tại đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm trầm trọng, Ngoài yếu tố không có lũ, thiếu phù sa, chất lượng đất suy giảm còn do tác động từ đô thị, công nghiệp hóa.

Trong hai thập niên vừa qua, dẫu cho chuyên gia của nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh, môi trường trên thế giới và tại Việt Nam liên tục cảnh báo rằng, việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở đoạn trên của sông Mekong sẽ tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người cư trú ở khu vực hạ lưu của con sông này nhưng cuối cùng, hết Trung Quốc tới Lào thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong.

Trong số bốn quốc gia mà môi sinh, môi trường sẽ bị tàn phá vì các đập thủy điện trên sông Mekong (gồm cả Lào, Thái Lan, Cambodia lẫn Việt Nam) thì Việt Nam là quốc gia lãnh nhiều hậu quả tai hại nhất. Không những không hành động, khoán hết mọi thứ cho các chuyên gia, tổ chức quốc tế bảo vệ môi sinh, môi trường, chính quyền Việt Nam còn có những dự tính khiến thiên hạ chưng hửng.

Chẳng hạn tuần trước, người ta tìm thấy trong “Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, dự phóng đến năm 2035” do Bộ Công Thương Việt Nam soạn thảo ý tưởng, do nguồn điện mà EVN tạo ra không đủ cung cấp cho nhu cầu nên EVN có thể mua điện từ Lào để bù đắp.

Ý tưởng này được một phó thủ tướng tên là Trịnh Ðình Dũng tán thưởng tận tình vì nguồn điện của Lào dồi dào nên giá sẽ rẻ hơn mua điện của Trung Quốc. Không viên chức nào nhận ra rằng, đó là cách tốt nhất để thúc đẩy Lào phát triển thêm các dự án thủy điện trên sông Mekong, đẩy đồng bằng sông Cửu Long tới chỗ chết nhanh hơn! (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT