Thursday, March 28, 2024

Một Facebook công khai tài sản quan chức bị chụp mũ ‘phản động’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một group vừa hoạt động cách đây không lâu trên mạng xã hội với tôn chỉ công khai tài sản của quan chức bị Huyện Ủy Côn Đảo ra công văn yêu cầu công an “ngăn chặn, xử lý kịp thời.”

Facebook Group Lều Của Đầy Tớ hiện thu hút được hơn 50,000 thành viên, đăng tải tiêu chí: “Cập nhật về tình hình các ‘đầy tớ’ có biệt phủ, căn hộ ở khắp 63 tỉnh thành trong cả nước tới bạn đọc một cách nhanh nhất.”

Nhóm này cũng đề ra quy định “đăng nội dung tin bài, hình ảnh trung thực, không viết vu khống, không photoshop chế nhạo, không tính nhà công vụ.”

Một công văn của Huyện Ủy Côn Đảo do Bí Thư Nguyễn Hoàng Tùng ký được chia sẻ trên mạng xã hội ghi: “Thường Trực Huyện Ủy nhận được công văn mật của Thường Trực Tỉnh Ủy (Bà Rịa-Vũng Tàu) về việc chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của nhóm phản động Lều Của Đầy Tớ.”

“Phương thức hoạt động của nhóm này là thu thập hình ảnh, video về tải sản, sinh hoạt đời tư của các cán bộ, đảng viên các cấp nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước,” công văn này cho biết.

Công văn này cũng yêu cầu “định hướng dư luận, nhận thức của cán bộ và nhân dân, không theo dõi (follow), nhấn like hoặc comment trên group Lều Của Đầy Tớ.”

‎Hồi Tháng Bảy, nhà hoạt động Hoàng Dũng đăng thông tin trong nhóm: “Nhóm này cần thêm anh em thiện nguyện để ghi chính xác địa chỉ mỗi ‘căn lều,’ vẽ sơ đồ vị trí chính xác căn lều. Từ đó ta lập ra được bản đồ chi tiết các tỉnh thành có ‘lều.’ Rồi kêu gọi các anh em phịch phượt thủ đi ngang check-in, chụp hình selfie. Các ‘túp lều’ đó phải trở thành địa chỉ mà nhiều người muốn chứng kiến tận mắt thì nó mới thú vị.”

‎Hồi Tháng Sáu, công luận xôn xao chuyện Thanh Tra Chính Phủ tiến hành làm rõ nguồn gốc khối tài sản “khủng” gồm nhiều đất đai, dinh thự của ông Phạm Sĩ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái.

Truyền thông ở thời điểm đó ghi nhận khu biệt phủ gồm biệt thự, nhà thờ, hồ nước, bể bơi, cầu dây văng và sân vận động nằm trên khu đất 1.3 hécta tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

Trả lời báo chí, ông Phạm Sỹ Quý nói khu dinh thự của gia đình ông “được xây dựng từ tiền vay ngân hàng 20 tỷ đồng ($880,000), mượn của nhiều bạn bè, tiền tích cóp từ thời trẻ.”

Tuy vậy, báo Người Lao Động hôm 6 Tháng Chín cho hay, “hết lần này tới lần khác phải lùi thời gian công bố kết quả thanh tra tài sản gia đình ông giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái.”

Phản đối hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam

“Việc tiến hành thanh tra khối tài sản lớn của gia đình ông giám đốc sở ở Yên Bái đúng vào lúc dư luận cả nước đang ‘dậy sóng’ được xem như là liều ‘thuốc thử’ niềm tin. Chưa biết kết quả thanh tra có đáp ứng niềm tin của người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng hay không nhưng cứ mỗi lần lùi công bố kết quả thanh tra là một lần sụt giảm niềm tin,” báo này viết.

Đề cập đến tài sản của quan chức, nhà báo Mạnh Quân, công tác tại báo điện tử Dân Trí, viết trên mạng xã hội: “Nếu quan chức có thu nhập chính đáng tốt, sao họ không được xây nhà to? Nhiều ông bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh… vốn gia đình họ cũng đã giàu có từ trước, có người thân kinh doanh, buôn bán, thừa kế nhà, đất, tài sản… thì họ vẫn hoàn toàn có quyền xây nhà đẹp chứ? Chỉ là nếu ông phản ánh, chứng minh được nhà ông đó được xây dựng bằng tiền tham nhũng, ăn hối lộ thì hãy nói.”

“Ngay đám nhà báo, khối người cũng có biệt thự lớn mà. Có ông ở báo Quân Đội Nhân Dân có cả cái resort tuyệt đẹp ở bãi Sông Hồng đó, nhưng đó là do nhà ông ấy kinh doanh cây cảnh nhiều thế hệ mà có. Thế nếu như cách làm hiện nay của một số báo, cứ chụp, tương hết lên rồi đặt câu hỏi, có phải đúng không? Thời nay mà cứ bắt giới quan chức cứ phải ăn ở cần kiệm, nhà nhỏ có gì đó không xuôi tai nhỉ? Chỉ là ông phải chứng minh được thu nhập chính đáng trong bản kê tài sản thôi,” ông viết. (T.K)

MỚI CẬP NHẬT