Friday, March 29, 2024

Mưa lớn gây sạt lở, nhiều nơi ở Nghệ An, Thanh Hóa bị cô lập

THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua đã gây sạt lở đất đá, khiến nhiều tuyến đường lên các huyện vùng cao, miền núi Thanh Hóa, Nghệ An bị chia cắt.

Tại tỉnh Nghệ An, sáng 17 Tháng Tám, 2018, mưa lớn đã khiến nhiều nhà dân ở các huyện miền núi bị ngập, nhiều quốc lộ bị tắc nghẽn do ngập nước và sạt lở đất.

Nói với báo Thanh Niên, ông Phan Sỹ Thắng, chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện Kỳ Sơn, cho biết lũ trên các sông suối lên nhanh, khiến nhà máy thủy điện Nậm Mô phải xả lũ.

Mưa lớn khiến mực nước ở sông Nậm Nơn đang dâng cao. Ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, có ba bản bị cô lập, 19 nhà dân bị ngập sâu.

Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng hỗ trợ ba nhà dân ở xã Keng Đu di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra hiện tuyến đường vào xã Tà Cạ của huyện này cũng đang bị ngập sâu trong nước lũ.

Có ba người ở các xã Tây Sơn, Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) chết và mất tích do sạt lở đất vùi lấp và nước cuốn trôi. Nhà chức trách huyện Kỳ Sơn cũng phát hiện hai thi thể trôi trên sông suối nhưng chưa xác định được danh tính.

Quốc lộ 7, đoạn qua Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bị ngập sâu trong nước lũ, khiến giao thông tê liệt. (Hình: Thanh Niên)

Trên tuyến quốc lộ 7 nối từ quốc lộ 1A sang Lào, đoạn qua các huyện Con Cuông, Tương Dương, đang bị tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng khi có nhiều điểm bị sạt lở và ngập sâu trong nước lũ.

Tuyến quốc lộ 48C, đoạn qua huyện Quỳ Hợp, có điểm bị ngập sâu 2 mét, một số đoạn bị sạt lở ta-luy gây tắc đường.

Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Nghệ An cho biết, do mưa lớn kéo dài, nước trên các sông và hồ đập lên nhanh, nên thủy điện Bản Vẽ (đóng tại huyện Tương Dương) đã được lệnh xả lũ với lưu lượng xả từ 1,000 đến 2,500 mét khối/giây.

Trước đó, vào tối 16 Tháng Tám, thủy điện Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, cũng đã xả lũ với lưu lượng 507 mét khối/giây.

Cũng theo báo Thanh Niên, tại tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Văn Cường, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Mường Lát, cho biết sạt lở đất đá do mưa bão gây ra đang khiến huyện vùng cao biên giới này bị cô lập với miền xuôi. Hiện tuyến quốc lộ 15C bị tê liệt hoàn toàn, nhanh nhất đến ngày 19 Tháng Tám xe cộ mới có thể chạy.

Còn ông Lê Thế Thọ, chủ tịch xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, cho hay do ảnh hưởng của bão số 4, những ngày qua trên địa bàn xã vùng sâu vùng xa này có mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất làm một người chết.

Bùn đất sạt lở tràn xuống lòng đường quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Thanh Niên)

Nạn nhân là chị Vi Thị Thêu (ngụ tại bản Na Chừa, xã Mường Chanh). Theo ông Thọ, khoảng 7 giờ sáng cùng ngày, chị Thêu đi bắt cá trong ao của gia đình, bất ngờ bị đất đá từ trên sạt lở xuống vùi lấp. Khi người dân phát hiện, đưa chị Thêu ra ngoài thì nạn nhân đã tử vong.

Ngoài ra, mưa lớn làm bùn đất từ trên cao trôi xuống tràn qua nhiều nhà dân. Hiện chính quyền xã Mường Chanh đang huy động các lực lượng giúp người dân thu dọn đất đá.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 16 đến trưa ngày 17 Tháng Tám, trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có mưa kéo dài, gây nhiều điểm sạt lở đất, trong đó, huyện vùng cao Mường Lát đang bị chia cắt với miền xuôi.

Ủy ban huyện Mường Lát cho hay, mưa lớn đã làm sạt lở 17 điểm trên các tuyến đường dẫn vào thị trấn huyện Mường Lát. Trong đó, tuyến quốc lộ 15C từ xã Trung Lý lên thị trấn Mường Lát sạt lở hơn 10 điểm khiến giao thông bị chia cắt.

Các điểm sạt lở còn lại tập trung ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Tén Tằn, đều bị đất đá, bùn tràn xuống đường, nhiều điểm như tại bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, và bản Táo, xã Trung Lý, hoàn toàn không thể qua lại.

Nhiều điểm sạt lở khiến giao thông lên huyện vùng cao Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, bị chia cắt. (Hình: Thanh Niên)

Tại huyện Quan Sơn, mưa lớn khiến nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Trong sáng 17 Tháng Tám, chính quyền địa phương phải di tản 30 nhà dân ở các xã Trung Tiến và Sơn Điện khỏi khu vực nguy hiểm. Đáng chú ý, tại xã Sơn Điện xuất hiện một vết nứt ven sườn núi, nguy cơ sạt lở gây ách tắc quốc lộ 217.

Ngoài ra, rạng sáng cùng ngày, một nhà dân ở xã Na Mèo cũng đã bị đất đá vùi lấp, rất may không có thiệt hại về người.

Tại huyện Quan Hóa, ông Trương Nho Tự, chủ tịch huyện, cho biết huyện này cũng phải di tản 28 nhà dân nằm trong vùng ngập và có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm tính mạng. Riêng về giao thông, trên địa bàn huyện này có ba điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 100 mét đang khiến một số tuyến đường bị tắc nghẽn.

Còn tại tỉnh Sơn La, đến chiều 17 Tháng Tám có hai người chết, một nạn nhân khác bị lũ cuốn mất tích hiện chưa tìm thấy thi thể.

Mưa lũ cũng gây sạt lở đất, tắc nghẽn nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Thuận Châu và khiến hàng chục hécta lúa, hoa màu úng ngập. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT