Thursday, March 28, 2024

ng dẫn nước vỡ, mất thêm hàng ngàn tỷ

HÀ NỘI (NV) .- Hàng trăm ngàn gia đình tại Hà Nội thường xuyên thiếu nước vì ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà ở tỉnh Hòa Bình về Hà Nội liên tục bị vỡ (năm lần trong vòng một năm).








Sửa chữa đường ống dẫn nước sạch sông Đà hồi cuối năm ngoái. (Hình: Tiền Phong)


Vụ ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần thứ năm đang khiến những gia đình cư trú tại các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông không có nước để dùng suốt từ ngày 1 tháng 4 đến nay.


Ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội là một phần quan trọng trong “Dự án cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông”, do Vinaconex – một công ty quốc doanh – thực hiện. Theo đó, Vinaconex sẽ thu nước từ bề mặt sông Đà, lọc và đưa vào bể rồi dẫn 220 ngàn mét khối nước/ngày, qua 47.5 cây số về Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.


Vinaconex bắt đầu cung cấp nước cho dân chúng Hà Nội từ giữa năm 2008 và từ đầu năm 2012 đến nay đã vỡ ống năm lần (02/2012, 03/2013, 11/2013, 12/2013, 04/2014). Mỗi lần vỡ chi phí sửa chữa lên tới hàng tỉ đồng và lần nào Vinaconex cũng giải thích nguyên nhân khiến ống vỡ là vì địa chất yếu.


Sau lần vỡ thứ năm, một số chuyên gia tiết lộ, loại ống mà Vinaconex sử dụng để dẫn nước sông Đà từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội làm bằng composite. Không có quốc gia nào dùng ống composite để dẫn nước sạch. Tại Nam Hàn và, Nhật, ống composite chỉ được sử dụng để làm ống cống, thoát nước thải.


Ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng của Dự án Mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, làm việc tại Viện Khoa học – Công nghệ giao thông vận tải, cho biết, đại lộ Thăng Long  có 29 điểm mà nền đất yếu. Cũng vì vậy, ông Trung từng nhiều lần cảnh báo cả chủ đầu tư, cơ quan thiết kế, lẫn nhà thầu của dự án cấp nước sông Đà nhưng các bên có liên quan không chú ý đúng mức.


Mặt khác, theo ông Trung, ống composite được làm từ sợi tổng hợp, không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc bị uốn cong. Nếu lắp đặt trên nền đất yếu mà không làm móng kỹ thì khi đất lún không đều, ống composite sẽ biến dạng rồi vỡ. Ông Trần Minh Hồng, một chuyên gia về vật liệu xây dựng, nói thêm, ống composite chỉ bền nếu nền móng vững chắc, ổn định. Ngược lại thì đường ống dẫn nước này sẽ còn tiếp tục vỡ nhiều lần nữa.


Nguồn nước sạch ở Hà Nội hiện do hai nơi cung cấp: Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty Nước sạch Sông Đà (của Vinaconex). Công ty Nước sạch Hà Nội khai thác nước ngầm và cung cấp cho 8 quận nội thành và 6 huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh).


Còn Công ty Nước sạch Sông Đà cung cấp nước sạch cho khu vực còn lại. Do nguồn nước ngầm hạn chế, mỗi ngày, Công ty Nước sạch Hà Nội phải mua thêm khoảng 45 ngàn mét khối nước sạch của Công ty Nước sạch Sông Đà. Nếu nguồn nước của Công ty Nước sạch Sông Đà bị gián đoạn do đường ống dẫn nước bị vỡ, ngay cả khu vực nội thành của Hà Nội cũng thiếu nước.


Chưa kể, Công ty Nước sạch Hà Nội vừa cảnh báo, năm nay do trời nóng sớm và kéo dài, ngoài đe dọa do thiếu hụt nguồn nước từ Công ty Nước sạch Sông Đà, việc cung cấp nước sạch cho Hà Nội còn bị ảnh hưởng bởi thiếu điện, thành ra chuyện nước sạch sẽ rất căng thẳng.


Cũng vì vậy, đại diện của Vinaconex vừa lên tiếng trấn an rằng, tổng công ty này vừa hoàn tất công việc nghiên cứu để thiết kế một đường ống dẫn nước mới, chạy song song với đường ống dẫn nước cũ. Chi phí dự trù là 1,000 tỷ. Nếu có thể vay nước ngoài khoản này thì chuyện lắp đặt đường ống dẫn nước mới sẽ thực hiện vào năm 2015, đến 2016 sẽ hoàn tất.


Hàng ngàn tỷ nữa sẽ được cộng thêm vào khoản nợ chung của Việt Nam. Còn trách nhiệm? Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình của  Bộ Xây dựng, trấn an, “sẽ” thành lập một đoàn kiểm tra về chất lượng đường ống và “sẽ” thông báo. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT