Thursday, March 28, 2024

Nga giúp Việt Nam đối phó chiến tranh an ninh mạng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một bài viết trên báo Nga Sputnik cho biết “Nga sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới” khác chiến tranh truyền thống.

Sputnik dẫn lại nội dung bản tuyên bố chung giữa Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang khi hai người họp với nhau nhân Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng ngày 10 Tháng Mười Một, rồi đưa ý kiến của một số chuyên viên Nga.

Bản tuyên bố chung về “hợp tác trên lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế” Nga-Việt được đăng nguyên văn trên trang mạng chinhphu.vn, hai bên “nhất trí đẩy mạnh” “cung cấp, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo chuyên gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phòng chống, tội phạm mạng, phối hợp bảo đảm hoạt động an toàn, tương tác ổn định và quốc tế hóa quản lý mạng thông tin viễn thông Internet, thể hiện vị thế gắn bó của Việt Nam và Nga trong các cơ chế và diễn đàn quốc tế.”

Sputnik dẫn lời ông Vladimir Kolotov, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại Học Tổng Tợp St. Petersburg, bình luận về bản tuyên bố chung nói trên: “Đây là một tài liệu rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến loại chiến tranh mới đang ngấp nghé trên ngưỡng cửa mà thế giới chúng ta đang đứng. Nó sẽ là chiến tranh mạng.”

Nguồn tin cũng thuật ý kiến của nhà phân tích chính trị Andrei Bezrukov, một cựu đại tá Cục Tình Báo Liên Bang Nga, đã từng có 24 năm là điệp viên “nằm vùng” tại Hoa Kỳ cho biết: “Chiến tranh mạng là cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng tối quan trọng của nhà nước. Ví dụ, bấm nút ‘tắt điện’ toàn thành phố, nghĩa là ngắt hẳn mạng lưới điện trong thành phố. Trường hợp đó sẽ là một thảm họa. Và những gì trên thực tế mới đây WikiLeaks vừa công bố, những công cụ nào bắt đầu được sử dụng, những công cụ được phát triển ra sao, những công cụ này được thiết kế không phải để ăn cắp tiền, chúng được sử dụng với mục đích tác động ảnh hưởng đến những cơ sở hạ tầng quan trọng.”

Khi kẻ địch có khả năng tấn công mạng, họ có thể gây thiệt hại lớn lao, thậm chí đình trệ hoạt động của các cơ quan từ cơ sở quân sự, chính trị, kinh tế kỹ nghệ của một nước mà không cần đến hỏa tiễn hay các loại võ khí khác.

Vô hiệu hóa các hệ thống cung cấp điện, vận chuyển hàng không, trung tâm truyền thông, các nhà máy lọc dầu, các trung tâm đầu mối vận tải, tàu điện ngầm… chỉ cần một cái lệnh từ máy điện toán từ xa hàng ngàn cây số.

Báo Nga cho rằng hiện nay, công việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các quốc gia. “Ở các nước Đông Nam Á thì vấn đề này được giải quyết chưa thỏa đáng. Đúng, ở đây, máy tính được đưa ra hàng loạt, nhưng chỉ là lắp ráp chúng chứ không sản xuất phần cứng (hardware), cũng không phải phần mềm (software). Các hệ thống kỹ thuật số được những nhà phát triển nó quản lý, tức là các nước phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ.”

Ngày 8 Tháng Chín, Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Máy Tính Việt Nam (VNCERT) được báo chí trong nước đưa tin nói họ “phát hiện ra dấu hiệu của chiến dịch tấn công nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam thông qua việc phát tán và điều khiển mã độc có chủ đích (APT)” mà thủ phạm bị nghi là tin tặc Trung Quốc.

VNCERT gửi công văn khuyến cáo tăng cường bảo vệ an ninh mạng “đến các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của Văn Phòng Trung Ương Đảng, Văn Phòng Chủ Tịch Nước, Văn Phòng Quốc Hội, Văn Phòng Chính Phủ; các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin các bộ, ngành; các đơn vị thuộc Bộ Thông Tin-Truyền Thông; các Sở Thông Tin-Truyền Thông; thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố Internet Việt Nam; và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế; tổ chức tài chính và ngân hàng; các doanh nghiệp hạ tầng Internet, viễn thông, điện lực, hàng không, giao thông vận tải.”

Cách đó chỉ ít ngày, tức ngày 31 Tháng Tám, hãng tin Reuters cho hay, theo các dữ liệu của của tổ chức FireEye, công ty chuyên về an ninh mạng, thì những gián điệp mạng tức tin tặc, làm việc cho chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào nguồn tài nguyên chính thức tại Việt Nam trong thời gian căng thẳng tăng cao ở Biển Đông.

Năm 2016, tin tặc đã tấn công mạng điện toán của Vietnam Airlines ngày 29 Tháng Bảy mà báo chí tại Việt Nam gọi là “hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ các cuộc tấn công có chủ đích APT tại Việt Nam.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT