Tuesday, April 23, 2024

Nguyễn Phú Trọng đi vẫn chưa vững, phải vịn tay người bên cạnh

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo tại Việt Nam hôm 14 Tháng Mười Một đồng loạt đăng hình ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, trong một lần hiếm hoi xuất hiện ngoài trời khi tham dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đáng lưu ý, trong số các hình mà báo Quân Đội Nhân Dân đăng tải, người ta thấy ông Trọng, 77 tuổi, hiện vẫn phải vịn tay ông Đinh Tiến Dũng, bí thư Thành Ủy Hà Nội, và một nhà sư để có thể bước đi cho vững.

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN (giữa) vẫn phải vịn tay ông Đinh Tiến Dũng (trái), bí thư Thành Ủy Hà Nội, và một nhà sư. (Hình: Quân Đội Nhân Dân)

Trước đây, việc dắt tay ông Trọng thường là nhiệm vụ của đội cận vệ mỗi khi ông này hiện diện ngoài trời.

Kể từ sau lần bị đột quỵ tại tỉnh Kiên Giang hồi Tháng Tư, 2019, ông Trọng gần như chỉ xuất hiện trong hội trường và tránh né tất cả các sự kiện tổ chức ngoài trời như viếng lăng Hồ Chí Minh trước các kỳ họp Quốc Hội.

Theo tường thuật của báo Quân Đội Nhân Dân, ông Trọng “bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi tham dự ‘Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc’, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân, thấy ai cũng phấn chấn, vui vẻ, trong không khí thân tình.”

Tại sự kiện hôm 14 Tháng Mười Một, ông Trọng được thấy dâng hương tại chùa Pháp Vũ và trồng cây lưu niệm ở nhà văn hóa xã Yên Sở.

Việc ông Trọng có mặt tại tại xã Yên Sở được các báo mô tả như “biểu hiện của sự gần dân.”

Ông Nguyễn Phú Trọng cầm nhang to hơn thuộc cấp khi viếng chùa Pháp Vũ. (Hình: VOV.vn)

Hồi đầu Tháng Chín, nhiều báo đài ở Việt Nam đã phải gỡ bỏ hình ảnh cho thấy ông Trọng thản nhiên ngồi vào chiếc ghế kỷ vật của Hồ Chí Minh, trong lúc các thuộc cấp đứng khoanh tay xung quanh như cận thần.

Đây là bộ bàn ghế mà những người đến thăm khu lưu niệm chỉ được nhìn chứ không được phép ngồi hoặc sờ vào hiện vật.

Thời điểm đó, mạng xã hội dấy lên suy đoán cho rằng ông Trọng ngồi vào chiếc ghế của ông Hồ vì tự cho mình “đã ngang tầm lãnh tụ” và đủ sức thay thế hình ảnh biểu tượng của “cha già dân tộc.”

Tuy vậy, cũng có ý kiến suy đoán rằng ông Trọng do di chứng của đột quỵ, cứ đi vài bước chân là phải dừng lại ngồi nghỉ để lấy sức nên chỉ “vô tình” ngồi vào chiếc ghế kỷ vật này. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT