Thursday, March 28, 2024

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị xử nặng 20 năm tù, 5 năm quản chế

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An hôm 16 Tháng Tám, 2018, tuyên phạt 20 năm tù và 5 năm quản chế – mức án nặng nhất cho giới đấu tranh gần đây.

Ông Lượng, 52 tuổi, bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ Luật Hình Sự CSVN 1999 và các dự báo trước đó chỉ cho là ông đối mặt với bản án thấp nhất 12 năm tù.

Mức án dành cho ông Lượng cao hơn hẳn mức án cho ông Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù), blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (10 năm tù), blogger Thúy Nga (Trần Thị Nga, 9 năm tù)…

Cùng ngày, các ý kiến của giới đấu tranh trên mạng xã hội đều bày tỏ sự phẫn nộ trước bản án.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người gọi ông Lượng là chú họ, viết trên trang cá nhân: “Bản án thể hiện rõ sự man rợ của một chính quyền trước người công chính. Bản án khủng khiếp cho thấy sự run sợ của những quan tòa trước khí phách hiên ngang và bản lĩnh của chú tôi trước tòa. Chế độ chính trị này, sớm hay muộn, còn hay mất, không quan trọng nữa mà quan trọng là chú tôi đã gánh vác nghĩa vụ cao cả với tất cả tấm lòng trung kiên. Chú tôi là anh hùng!”

Ngay sau phiên tòa, Luật Sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Bản án dành cho ông Lượng chỉ được căn cứ vào lời khai của hai người bị truy tố trước đó là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ.”

“Hai người này trước đây có lời khai ông Lượng có tội trạng như vậy. Hôm nay họ ra tòa với tư cách nhân chứng, nhưng đều phản cung, nói những lời khai trước đây là do họ bị ép cung. Đến phần luật sư yêu cầu hỏi nhân chứng thì một viên công an nói Nguyễn Văn Hóa bị viêm họng, Nguyễn Viết Dũng bị đau bụng không trả lời được. Điều đó giống như là một trò cười,” Luật Sư Mạnh nhấn mạnh.

Luật Sư Hà Huy Sơn, người cùng bảo vệ cho ông Lượng, công khai trên trang cá nhân luận cứ bào chữa: “Cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng minh ông Lượng được tổ chức Việt Tân kết nạp vào ngày nào và được giao nhiệm vụ gì. Không có bằng chứng về việc ông Lượng liên lạc với các thành viên cụ thể hay tổ chức Việt Tân như thế nào: phương tiện, thời gian, địa điểm, nội dung trao đổi.”

“Để xác định được ranh giới và mức độ thế nào là ‘chống đối’ thì cần phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn. Cơ quan điều tra không chứng minh được ông Lượng có hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào,” ông Sơn viết.

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng có nhiều biểu ngữ chống Trung Quốc trước khi bị bắt. (Hình: Thanh Niên Công Giáo)

Trước khi bị bắt vào ngày 24 Tháng Bảy, 2017, ông Lượng được biết đến qua các hoạt động trợ giúp các nạn nhân Formosa, đòi quyền được đi học và chống nạn lạm thu đối với học sinh nông thôn. Trên mạng xã hội cũng có nhiều hình ảnh ông Lượng giơ cao biểu ngữ chống Trung Quốc trong các ngày kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật Sư Nguyễn Văn Đài viết trên trang cá nhân của ông: “Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Lê Đình Lượng!”

Hội Anh Em Dân Chủ phát đi thông cáo với nội dung: “Hội Anh Em Dân Chủ thấy rằng việc nhà cầm quyền CSVN bắt, giam giữ và xét xử ông Lê Đình Lượng là vi phạm nhân quyền. Từ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở Việt Nam chưa bao giờ có chính quyền nhân dân. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có chính quyền độc đảng toàn trị, mang bản chất phản cách mạng, phản dân chủ và phản động. Bởi vậy, khách thể chính quyền nhân dân mà Bộ Luật Hình Sự CSVN 1999 bảo vệ là chưa có.”

Trong khi đó, thông cáo của đảng Việt Tân nêu: “Những cáo buộc đối với ông Lê Đình Lượng cho thấy nhà cầm quyền CSVN đã bắt đầu dùng Luật An Ninh Mạng kèm với các điều khoản an ninh quốc gia để khống chế cộng đồng mạng và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Cáo trạng còn đề cập đến khả năng Bộ Công An lấy dữ liệu người dùng nếu Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam, dẫn đến nhiều nguy hại mà cộng đồng mạng Việt Nam sẽ phải đối diện. Nhà hoạt động dân quyền Lê Đình Lượng là nạn nhân khởi đầu của đạo luật bóp nghẹt này.”

“Cáo trạng ghi rằng ông Lê Đình Lượng tham gia đảng Việt Tân và vì vậy vi phạm Điều 79. Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) đã phán quyết rằng tham gia hội nhóm, như đảng Việt Tân là quyền căn bản phải được tôn trọng. CSVN đã vi phạm các quy định của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền về quyền tham gia các đoàn thể, đảng phái và quyền tự do ngôn luận,” thông cáo của Việt Tân cho hay.

Blogger, cựu tù nhân lương tâm Paul Trần Minh Nhật viết trên trang cá nhân: “Ông Lê Đình Lượng mang trong mình một lý tưởng về thể chế dân chủ đa nguyên, và công bằng xã hội. Thời trai trẻ, ông đã trực tiếp tham gia bảo vệ tổ quốc, tham gia cuộc chiến biên giới năm 1979 để kháng Tàu Cộng. Là một cựu binh vì lòng ái quốc, ông sau đó tiếp tục là một người hoạt động vì quê hương dân tộc.”

“Trong các vụ án mang tính chính trị, việc bắt bớ hay quy tội một ai là một việc làm hết sức dễ dàng và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của đảng CSVN. Nhà cầm quyền để bảo vệ sự tồn tại độc quyền sẵn sàng bỏ tù tất cả những ai mà họ cho là có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ,” ông Nhật viết.

“Hôm nay ngày 4 Tháng Bảy, 2017, là ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, mình mặc chiếc áo này,” anh Nguyễn Viết Dũng viết trên trang Facebook cá nhân. (Hình: Facebook Dũng Phi Hổ)

Cũng tại Nghệ An, tại một phiên xử phúc thẩm hôm 15 Tháng Tám, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước,” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự, do đăng tải bảy bài viết có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, bôi nhọ lãnh tụ.”

Bản án này giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm hôm 12 Tháng Tư vừa qua.

Luật Sư Nguyễn Khả Thành, văn phòng tại tỉnh Phú Yên, người được mời bào chữa duy nhất cho anh Dũng chỉ được thư ký phiên tòa thông báo qua điện thoại trước phiên xử chưa đầy 24 tiếng, nên không thể có mặt kịp ở tòa.

Báo Nghệ An cho rằng anh Nguyễn Viết Dũng là một trong các thành viên đã bị ông Lê Đình Lượng “dụ dỗ” để tham gia tổ chức Việt Tân.

Anh Nguyễn Viết Dũng, 32 tuổi, bị tòa án Nghệ An kết án 7 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên xử ngày 12 Tháng Tư, 2018, vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước…”

Anh được mọi người biết với biệt hiệu “Dũng Phi Hổ” khi anh mặc quân phục tương tự của Lực Lượng Đặc Biệt VNCH với phù hiệu Phi Hổ đi biểu tình vì “Cây Xanh” ở Hà Nội hồi năm 2015.

Những năm khi còn đi học, anh là một học sinh có thành tích học tập giỏi, và đã đạt danh hiệu trong một đợt thi tháng của chương trình “Đường Lên Đỉnh Olympia,” một cuộc thi mang tính học thuật cao tại Việt Nam. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi này đang học tập hay làm việc tại nước ngoài như Úc.

Vào năm 2004, anh thi đậu vào Khoa Công Nghệ Thông Tin, Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

Vào Tháng Tư, 2015, anh Nguyễn Viết Dũng chủ xướng thành lập Hội Những Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng và tham dự các cuộc biểu tình tuần hành bảo vệ môi trường, cây xanh tại Hà Nội.

Sau cuộc biểu tình đó, vào Tháng Mười Hai cùng năm, anh bị vu cho tội “Gây rối trật tự công cộng” với bản án 12 tháng tù.

Ra tù, anh vẫn tham gia các hoạt động bày tỏ chính kiến “trái chiều” trên trang Facebook cá nhân bị bắt trở lại ngày 27 Tháng Chín, 2017.

Cách thức mà công an bắt anh được nhiều người cho là “giống bắt cóc.” (T.K., TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT