Thursday, March 28, 2024

Nhà thờ Đức Bà trùng tu, kêu gọi giáo dân góp $6.14 triệu Mỹ kim

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Tư, truyền thông Việt Nam cho hay, Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn hiện đang phát đi lời kêu gọi giáo dân quyên góp 140 tỷ đồng (hơn $6.14 triệu Mỹ kim) để trùng tu Nhà thờ Đức Bà (Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn).

Được biết đến nay, sau hai lần quyên góp, các giáo xứ đã đóng góp được 71 tỷ đồng ($3.1 triệu Mỹ kim), tức khoảng một nửa trong số kinh phí dự trù tu sửa vương cung thánh đường gần 140 năm tuổi này.

Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, quản xứ Nhà thờ Đức Bà, được báo Thanh Niên dẫn lời: “Việc thi công dự kiến kéo dài trong hai năm 2018 – 2019 với sự tham gia của một số công ty chuyên về xây dựng, trùng tu trong và ngoài nước. Hầu hết vật liệu trùng tu như ngói, kính màu… được mua từ Pháp, Đức… Nhà thờ vốn dùng nguyên vật liệu xuất xứ ở nước ngoài. Trong đó tường gạch với màu sơn không bị rêu mốc qua thời gian.”

“Toàn bộ mái ngói nhà thờ, phần tôn máng xối đã được đặt bên Pháp, còn phần mái ngói vảy cá bên dưới và mái ngói âm dương sẽ được mang về từ Đức để thay thế. Trong quá trình sửa chữa, các buổi lễ vẫn được cử hành bình thường, riêng việc chụp ảnh xung quanh khuôn viên nhà thờ và thăm bên trong đều tạm dừng,” tờ báo trích lời Linh mục Hồ Văn Xuân.

Trong một diễn biến khác, hôm 27 Tháng Ba, Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn phát đi thông cáo cảnh báo về “một nhóm người lừa đảo cả nam lẫn nữ, đã tạo email giả, mạo danh Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân để nhận tiền quyên góp của nhiều người.”

“Trong việc đóng góp cho quỹ trùng tu Nhà thờ Đức Bà, ngoài thư kêu gọi của cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Linh Mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân không hề gửi thư hay email đến bất cứ ai để xin giúp đỡ,” thông cáo viết.

Tính từ thời điểm bắt đầu xây dựng tới đợt sửa chữa mới nhất, Nhà thờ Đức Bà đã trải qua ba cuộc trùng tu, tất cả đều diễn ra trước 1975. Lần trùng tu đầu tiên được ghi nhận là hồi năm 1895, xây dựng thêm mái nhọn cho tháp chuông nhà thờ. Lần thứ hai vào năm 1903, mặt tiền nhà thờ được tôn tạo, xây thêm vườn hoa và tượng đài Giám mục Bá Đa Lộc (bị hạ xuống năm 1945). Lần thứ ba–năm 1959, tượng Đức mẹ Hòa Bình được dựng lên ở công viên phía trước nhà thờ.

Đến năm 2015, Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn loan báo quyết định thực hiện cuộc đại tu Nhà thờ Đức Bà và việc khởi công diễn ra hôm 29 Tháng Sáu, 2017 (dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ) và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.

Hồi Tháng Tám, 2017, trả lời báo Người Đô Thị về viễn ảnh đưa Nhà thờ Đức Bà vào danh mục “xếp hạng di dích quốc gia”, Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân nói: “Sau Nhà thờ Đức Bà, một số nhà thờ khác cũng đã được đề nghị đưa vào danh sách di tích, nhưng Tòa Tổng Giám Mục chưa đồng thuận. Tòa Tổng Giám Mục cần hỏi ý kiến của linh mục đoàn, nhiều ngàn tu sĩ và khoảng 700,000 giáo dân. Cần có sự đồng thuận trong nội bộ trước đã, chứ Tòa Tổng Giám Mục không tự mình vội vã quyết định vấn đề đó. Nhiều chuyên gia từng phân tích rằng khi đưa một công trình vào danh sách di tích bảo tồn thì phát sinh rất nhiều nhiêu khê trong việc sử dụng hay bảo tồn, giữ gìn… Chẳng hạn nhất cử nhất động muốn sửa cái gì cũng phải xin phép [chính quyền], có khi phải ra tận ngoài Bộ rất phức tạp. Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nơi, như Nhà thờ đá Phát Diệm khi đưa vào di tích, nhà nước quản lý thì phát sinh việc đi vào phải mua vé tham quan, nhưng Tòa Giám Mục Phát Diệm không đồng ý, và Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn không làm vậy được.”

Theo truyền thông Việt Nam, trước khi tiến hành trùng tu, mỗi ngày “có hàng trăm đoàn khách nước ngoài” đến tham quan, dự lễ tại Nhà thờ Đức Bà. (T.K.)

Phương Trang đầu tư 2,200 tỷ vào ứng dụng gọi xe Vato

MỚI CẬP NHẬT