Wednesday, April 24, 2024

Nhiều người miền Trung chết do Whitmore, Bộ Y Tế CSVN lo dịch bùng phát

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Sau khi Quảng Trị có bốn người và Đà Nẵng có hai người chết do vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore, trong khi số ca nhiễm bệnh tại miền Trung tiếp tục tăng mạnh đã khiến Bộ Y Tế CSVN lo lắng chỉ đạo “Khẩn.”

Ngày 24 Tháng Mười Một, bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Trị cho biết từ ngày 2 Tháng Hai đến ngày 23 Tháng Mười Một, bệnh viện đã tiếp nhận 30 ca bệnh Whitmore do vi khuẩn “ăn thịt người” Burkholderia Pseudomallei gây nên.

Vết thương do vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore gây ra với một bệnh nhân. (Hình: Hoài Thu/VietNamNet)

Đặc biệt từ ngày 14 Tháng Mười, sau đợt lũ đầu tiên xảy ra tại Quảng Trị đến nay đã có 24 người bị nhiễm bệnh, trong đó bốn người đã tử vong và nhiều ca nặng.

Bệnh nhân tử vong đầu tiên có liên quan đến bệnh Whitmore là ông NVB (51 tuổi, trú quận Hải An, thành phố Hải Phòng), một trong số các thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị hôm Tháng Mười. Các nạn nhân tiếp theo gồm: HVV (75 tuổi, ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa), NTL (62 tuổi, trú xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và HCD (47 tuổi, trú xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, cùng tỉnh Quảng Trị).

Nói với báo Thanh Niên, Bác Sĩ Lê Văn Lâm, trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực Chống Độc, bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Trị, cho hay mỗi năm bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân bị tử vong. Riêng năm nay, sau nhiều đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng bất ngờ do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi.

Trong khi đó, ngày 25 Tháng Mười Một, xác nhận với báo Giao Thông, bệnh viện Đà Nẵng cho biết hai tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận đến 29 ca bệnh Whitmore, trong đó có hai người đã tử vong do bệnh nặng. Các bệnh nhân phần lớn đến từ các địa phương vừa trải qua mưa lũ như Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Tương tự ông Lê Ngọc Châu, giám đốc Sở Y Tế Hà Tĩnh, cho hay bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh từ đầu năm 2020 đến nay đã xét nghiệm, xác định 50 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Do các bệnh nhân đều được phát hiện sớm nên đã bình phục.

Trước đó báo Tuổi Trẻ cho biết gần đây Việt Nam liên tục ghi nhận các ca Whitmore, đặc biệt ở miền Trung. Theo thống kê từ Tháng Mười đến nay, riêng bệnh viện Trung Ương Huế đã tiếp nhận 28 ca. Trong số các bệnh nhân nhập viện có 50% người đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cục Y Tế Dự Phòng thuộc Bộ Y Tế dự báo “sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh Whitmore trong thời gian tới ở nhiều tỉnh miền Trung.”

Hồi Tháng Chín, 2019, Bác Sĩ Phạm Ngọc Hàm, trưởng Khoa Y Học Nhiệt Đới, bệnh viện Đà Nẵng, đã chính thức cảnh báo về vi khuẩn bệnh Whitmore.

Bệnh nhân Whitmore đang được điều trị tại bệnh viện Trung Ương Huế. (Hình: Thanh Niên)

Theo đó vi khuẩn sống ở đất mặt và nước, chỉ cần cơ thể con người bị trầy xước, tiếp xúc thì sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Bệnh không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán.

Để đối phó trước “diễn biến phức tạp” của bệnh vi khuẩn “ăn thịt người,” hiện chưa có vaccine phòng bệnh, sáng 25 Tháng Mười Một, ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y Tế CSVN đã có công văn “Khẩn” gửi các đơn vị y tế. Theo đó, bộ này yêu cầu “các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh thành khẩn trương tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore đã được Bộ Y Tế ban hành trong thời gian nhanh nhất để phòng dịch.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT