Thursday, April 18, 2024

Nhiều viên chức ở Bình Định, Quảng Trị bị thôi việc vì xài bằng giả

BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Viên chức xã Ân Mỹ, Bình Định, sử dụng bằng giả suốt tám năm, dân gửi đơn tố mới biết! Còn tại Quảng Trị, 42 viên chức bị thôi việc thì trong đó có 14 người xài bằng giả.

Sáng 28 Tháng Mười Hai, ông Hoàng Phi Long, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, xác nhận với báo Thanh Niên rằng huyện đã có quyết định buộc thôi việc đối với ông Lê Phước Đô, công chức Ðịa Chính-Xây Dựng-Môi Trường xã Ân Mỹ, do có hành vi sử dụng bằng giả khi tuyển dụng.

Theo hồ sơ của xã Ân Mỹ, ông Lê Phước Đô được tuyển hợp đồng công chức địa chính xã Ân Mỹ vào năm 2000. Đến năm 2003, ông Đô nằm trong diện bị tinh giản biên chế.

Năm 2011, ông Đô sử dụng bằng trung cấp địa chính để tham gia đợt thi tuyển công chức do huyện Hoài Ân tổ chức, kết quả trúng tuyển vào vị trí công chức Địa Chính-Xây Dựng-Môi Trường xã Ân Mỹ và công tác từ đó đến nay.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hà Thanh, chủ tịch xã Ân Mỹ, cho biết Tháng Bảy, 2019, xã nhận đơn phản ảnh của người dân liên quan đến vấn đề bằng cấp của ông Đô. Xã Ân Mỹ đề nghị ông Đô cung cấp bằng trung cấp địa chính gốc để kiểm chứng, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, ông Đô chỉ nộp bằng photo có công chứng và cho biết bằng gốc đã bị mất.

Sau đó ủy ban huyện và Phòng Nội Vụ huyện lập đoàn kiểm tra, xác minh. Kết quả làm việc cho thấy bằng trung cấp địa chính photo công chứng đứng tên Lê Phước Đô là bằng giả.

Báo Thanh Niên cho hay, mặc dù ủy ban xã Ân Mỹ đã ba lần mời ông Đô đến họp kiểm điểm, kỷ luật nhưng ông không đến. Cuối cùng, hội đồng kỷ luật của xã đề nghị buộc thôi việc ông Đô.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, trong số 42 công chức, viên chức bị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Trị cho thôi việc trong sáu tháng đầu năm 2019 ngoài chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, thì có cả người xài… bằng giả!

Theo quyết định ngày 28 Tháng Mười Hai của tỉnh Quảng Trị, 42 người này trong diện tinh giản biên chế thuộc nhiều ngành khác nhau. Trong số này, có nhiều giáo viên và cán bộ các cơ quan hành chính.

Báo Thanh Niên cho hay, nguyên nhân của việc bị tinh giản biên chế là do các cán bộ này chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ… Đáng chú ý trong số này có bà Hồ Thị Dàn (32 tuổi, công chức Văn Hóa-Xã Hội xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa). Bà Dàn là một trong 14 cán bộ đồng bào thiểu số sử dụng bằng tốt nghiệp Trung Học giả và bị cơ quan chức năng phát giác từ năm 2017.

Mặc dù 14 cán bộ ở huyện Hướng Hóa bị phát hiện dùng bằng tốt nghiệp Trung Học giả nhưng huyện vẫn tạo điều kiện cho 14 người này có cơ hội đi thi tốt nghiệp để bổ túc bằng. Tuy nhiên, do thi không đậu nên 13 cán bộ dùng bằng giả đã bị cho thôi việc. (TS)

MỚI CẬP NHẬT