Friday, April 19, 2024

Nhóm đông y chữa bệnh giúp người nghèo ở Bình Dương

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Nhiều năm qua, nhóm Đông Y Bạch Kim Tuyết, ở khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, vẫn miệt mài khám chữa bệnh từ thiện giúp người nghèo khắp nơi.

Để duy trì việc này trong nhiều năm qua là nhờ sự cố gắng tận tụy vì người nghèo của nữ lương y Phan Thị Phượng, trưởng nhóm, theo báo SGGP.

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm việc thiện nguyện, từ nhỏ chị Phượng đã theo chân mẹ đi giúp những người đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Qua những lần tổ chức bữa cơm từ thiện tại nhà, chứng kiến nhiều người nghèo mắc bệnh nhưng không có tiền chữa trị, quằn quại trong cơn đau, chị Phượng quyết tâm trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành y dược học cổ truyền, chị Phượng bắt đầu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại địa phương. Ngoài thời gian khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo tìm đến xin giúp đỡ, chị còn cùng các nhóm từ thiện xã hội khác đi khám chữa bệnh cho dân nghèo ở nhiều tỉnh, thành.

Nhiều người từng lâm tình cảnh bệnh tật, nghèo khó, sau khi gặp và được chị giúp đỡ, chữa trị khỏi bệnh, đã tự nguyện tham gia cùng chị đi giúp người nghèo khác. Cứ thế đến nay, chị đã có hơn chục “đệ tử” giỏi nghề trong nhóm Đông Y Bạch Kim Tuyết mà chị là trưởng nhóm, đồng hành lo việc chữa bệnh từ thiện.

Ngoài điểm khám chữa bệnh theo định kỳ hằng tháng tại Trung Tâm Tuệ Đức 2, phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn, và tại khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhóm Đông Y Bạch Kim Tuyết cũng lập điểm khám từ thiện. Đồng thời, mỗi tháng nhóm còn tổ chức hai bữa cơm miễn phí giúp người nghèo tại địa phương.

Đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt người bệnh được nhóm Đông Y Bạch Kim Tuyết chữa bệnh. Trong kinh phí dùng cho hoạt động từ thiện ý nghĩa này, ngoài nguồn tài chính được trích từ hoạt động kinh tế của gia đình, nữ lương y còn được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Nhiều công ty mời nhóm Đông Y Bạch Kim Tuyết của chị đến tận văn phòng, nhà xưởng để hướng dẫn, tập luyện cho nhân viên nhằm cải thiện sức khỏe và phòng các bệnh nghề nghiệp thường gặp.

“Tôi rất muốn được đi nhiều nơi vùng sâu, vùng xa chữa bệnh cho người nghèo, nhưng kinh phí để thực hiện của nhóm có giới hạn. Mỗi lần chia tay người dân, tôi rất xúc động vì thấy ai cũng mong mỏi chúng tôi sớm có dịp quay lại khám chữa bệnh để họ không phải chờ đợi lâu,” nữ lương y bày tỏ. (Tr.N)

Mời độc giả xem phóng sự “Người Mỹ tên Lê Văn Tèo”

MỚI CẬP NHẬT