Friday, March 29, 2024

Nhóm nông dân ở Vĩnh Long đóng hơn 1,000 áo quan giúp người nghèo

VĨNH LONG, Việt Nam (NV) – Suốt 10 năm qua, trại đóng hòm từ thiện ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, do một nhóm lão nông thành lập đã đóng hơn 1,000 chiếc áo quan giúp người nghèo khỏi cảnh quấn chiếu khi họ qua đời.

Ngày 28 Tháng Mười Một, 2018, kể với báo Thanh Niên, ông Võ Văn Đô (60 tuổi, ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết hồi năm 2008, nhận thấy có nhiều người nghèo khổ, không nhà cửa, tứ cố vô thân… khi qua đời không có tiền mua áo quan tẩn liệm, phải cuốn chiếu đem chôn nên ông đứng ra thành lập trại đóng hòm từ thiện.

Ban đầu chỉ có vài người, nhưng dần về sau nhận thấy việc làm có ý nghĩa thiết thực nhiều người quanh vùng tham gia. Hiện số thành viên đã hơn 10 người, đều là những nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, cuộc sống chẳng mấy dư dả.

Theo ông Đô, công việc đóng áo quan này không dễ như nhiều người tưởng. Những người tham gia phải không ngại khó, ngại khổ. Mỗi ngày, sau khi lên kế hoạch, cả nhóm túa đi mua ván mang về trại rồi sau đó mỗi người thực hiện từng công đoạn khác nhau như ra ván, phơi khô, xẻ gỗ, đóng lắp quan tài, sơn và trang trí hoa văn…

Trong lúc làm việc, đã có một số người trong tổ bị tai nạn lao động do máy cắt gỗ cứa vào tay, chân. Gần đây nhất có một người do bất cẩn đã bị máy cắt cụt cả hai ngón tay nhưng may mắn nối lại thành công.

Khó khăn là vậy, nhưng các thành viên đều hết lòng tham gia. Từ khi thành lập đến nay họ đã đóng hơn 1,000 chiếc quan tài, mỗi cái trị giá khoảng 10 triệu đồng (khoảng $430). Ngoài ra, khi tặng áo quan, trại hòm còn cho kèm đồ tẩn liệm. Tất cả chi phí trên là từ các nhà hảo tâm và những thành viên trong nhóm móc tiền túi ra đóng góp.

“Bà con đến xin quan tài đều có hoàn cảnh đáng thương, nghèo khó. Ngoài ra, những trường hợp tự tử tại cầu Cần Thơ, lực lượng chức năng xã Mỹ Hòa vớt bao nhiêu người thì trại sẽ cho bấy nhiêu hòm và chôn cất thật tử tế,” ông Đô cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hải (66 tuổi, ở xã Đông Thành), thành viên trong nhóm cho biết: “Tôi tham gia công việc này khoảng 10 năm rồi, bản thân anh em trong nhóm đều làm ruộng, vườn nên kinh tế khá khó khăn nhưng đều tự nguyện làm việc không công, không đòi hỏi bất cứ một ưu đãi nào.”

Tương tự, ông La Văn Năm (76 tuổi, ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) suốt nhiều năm qua đều đặn đạp xe hàng chục cây số để đến trại đóng hòm.

“Nhà có một công vườn trồng chôm chôm, ngày nào tôi đi đóng hòm thì vợ thay chăm sóc. Con cái giờ có sự nghiệp ổn định, hằng tháng cũng gửi một ít tiền cho vợ chồng tôi trang trải cuộc sống nên tôi dành tất cả thời gian để làm công việc thiện nguyện này. Dù sức khỏe hiện có suy giảm, nhưng nhờ sự ủng hộ của vợ và các con nên tôi càng có thêm động lực. Ngày nào còn đi, còn đạp xe được thì tôi vẫn gắn bó với công việc này,” ông Năm vui vẻ cho biêt.

Chia sẻ về công việc và cũng muốn nói lên nguyện vọng của mình, ông Đô luôn nhắc đi nhắc lại: “Một mình tôi chẳng làm được gì đâu, may nhờ còn có các anh em trong nhóm. Tôi mong sao đào tạo được một số người trẻ tiếp nối nghề, phát triển lan rộng hơn nữa để giúp được nhiều hơn cho những người nghèo.” (Tr.N)

Ý nghĩa sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký đối với thế hệ trẻ Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT