Thursday, April 18, 2024

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam tồi tệ ‘đẳng cấp thế giới’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không chỉ có không khí ô nhiễm hàng đầu khu vực Đông Nam Á, các thành phố lớn của Việt Nam đang tiến dần đến mức tồi tệ như Bắc Kinh, tức ô nhiễm “đẳng cấp thế giới.”

Tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật 26 Tháng Mười Một, 2017 dẫn thuật một tài liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội trong những năm gần đây liên tục tăng mức tồi tệ.

Các số liệu nghiên cứu, phân tích thường được sử dụng từ nguồn quan trắc của đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam. Với những gì được ghi nhận, người ta thấy “Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, ngang với Bắc Kinh bên Trung Quốc.”

Tờ Thanh Niên căn cứ vào nội dung của bức thư Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mới gửi cho nhân viên của mình ở Hà Nội. Bức thư cảnh báo: “Hiện tại, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).”

Từ năm 2016, những số liệu quan trắc này từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội được Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) theo dõi và phân tích.

Kết quả phân tích cho thấy: “Trong quý 1, 2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi) cao hơn so với mức 50 µg/m3 – Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.”

Không chỉ Hà Nội là ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thành phố Sài Gòn “đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Trong quý 1, 2017, có 6 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn WHO; Mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91.2 lên 100.,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30.72 lên 35.8 µg/m3. Còn trong quý 3, 2017, có 1 ngày vượt quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO.”

Nguồn tin nói rằng nếu phân tích dữ liệu theo giờ, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO. Tại Sài Gòn, chất lượng không khí trong quý 3, 2017 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe là 13.6% so với 14.8% trong cùng kỳ năm 2016.

Trước kết quả của WHO, quan chức cầm đầu Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường, Sở Tài Nguyên – Môi Trường thành phố Hà Nội, chỉ kêu rằng: “Trạm quan trắc đặt tại đại sứ quán Mỹ là trạm cảm biến và cách tính AQI của Mỹ khác và cao hơn nhiều so với cách tính theo hướng dẫn của Việt Nam.”

Một số bản ước tính hồi nam ngoái cho thấy khoảng 40 ngàn người Việt Nam chết mỗi năm vì môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng.

Ngay từ năm ngoái, ngày 5 Tháng Mười, 2016, tại chí World Bulletin dựa vào chỉ số “Real-time Air Quality Index” do tòa đại sứ Mỹ cung cấp đã cho hay mức độ không khí ô nhiễm của thành phố Hà Nội tồi tệ thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có thành phố Varanasi của Ấn Độ.

Ngày 21 Tháng Bảy, 2017 , Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Hà Nội công bố “hiện trạng môi trường quốc gia từ 2012-2016” công nhận “môi trường ở hầu hết các đô thị đều bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng chục triệu người mỗi ngày.”

Khí thải từ một lượng xe gắn máy hàng triệu chiếc cài vào nhau trên các đường phố, nhà máy nhiệt điện than, cũng như các nhà máy khác không trang bị đầy đủ bộ phận sàng lọc khí thải là các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật và chết sớm.

“Mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm không khí. Trong đó, số người bị bệnh đường hô hấp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai, Hải Phòng… cao hơn các đô thị khác. Đặc biệt, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao như bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư… Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Sài Gòn, số ca trẻ em có bệnh lý hô hấp chiếm 40 – 50% số ca nhập viện.” – Một viên chức Bộ Tài Nguyên – Môi Trường báo động như thế nhưng không thấy có giải pháp nào cụ thể được đưa ra để đối phó. (TN)

MỚI CẬP NHẬT