Saturday, April 20, 2024

Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức ‘ôm’ luôn ghế chủ tịch nước

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chính thức “tuyên thệ” nắm luôn ghế chủ tịch nước hôm Thứ Ba, 23 Tháng Mười, 2018, sau màn bỏ phiếu kín mà ai cũng biết kết quả từ trước của màn độc diễn.

Quốc Hội “con dấu cao su” theo cách viết của báo chí Tây phương, hay cách gọi của người Việt Nam là “bù nhìn” bỏ phiếu với tỷ lệ 476/477 đưa ông Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, ứng viên duy nhất được “giới thiệu” điền khuyết vào chức chủ tịch nước do ông Trần Đại Quang chết đột ngột hôm 21 Tháng Chín.

Rất nhiều người thắc mắc không biết một cái phiếu (chống hay trắng) duy nhất đó là của ai khi toàn thể các đảng viên của Trung Ương đảng CSVN đã “nhất trí” 100% đưa ông tổng bí thư đảng ngồi vào ghế chủ tịch nước.

Trong lời phát biểu sau khi thề ôm luôn chức chủ tịch nước, ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong nét mặt sung sướng rạng rỡ “giãi bày tâm tư” ra vẻ khiêm tốn rằng ông “lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không” và “trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn.”

Từ sau thời Hồ Chí Minh vừa là chủ tịch đảng kiêm chủ tịch nước, chế độ CSVN theo hình thức “tứ trụ (chủ tịch đảng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng) như một cách chia bớt quyền lực. Nay ông Trọng nắm luôn hai ghế, một nhà phân tích ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Giang tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách và Kinh Tế, nói với thông tấn AP cho rằng “Khi quyền lực tập trung vào một cá nhân thì có khuynh hướng xấu vì nó làm suy yếu chủ trương lãnh đạo tập thể trong nội bộ đảng.”

Hồi đầu tháng, khi được hội nghị trung ương đảng “nhất trí” đưa ông nắm luôn chức chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng từng thanh minh không phải là “nhất thể hóa” kiểu Trung Quốc mà chỉ là “giải pháp tình huống.” Ông Trọng có quyền từ chối và không nhận “giải pháp tình huống” nếu ông ta muốn.

Ngày 9 Tháng Năm, 2015, báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách “đại biểu quốc hội” nói với cử tri quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội về việc ghép hai chức vụ đảng và chính quyền là “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát?”. Bây giờ, ông ôm luôn cả hai, nói và làm hoàn toàn ngược nhau.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Trọng sẽ tiếp tục mạnh tay đối phó với tệ trạng tham nhũng ngập tràn từ trên xuống dưới. Nhưng một điều ai cũng thấy rõ là các vụ đàn áp các tiếng nói đối lập, phản biện xã hội ngày càng khốc liệt hơn. Hàng chục người dân từ bắc chí nam bị vu cho các tội “âm mưu lật đổ…” với các bản án tù thật nặng nề dù họ chỉ dùng mạng xã hội phát biểu ý kiến.

Trong triều đại của ông Trọng, hàng trăm người bị tra tấn nhục hình chết trong tay công an CSVN khi vừa mới bị bắt rồi vu cho người ta “tự tử” để tránh tội giết người. Riêng 10 Tháng Năm, 2018, ít nhất đã có 10 người bị công an bức tử.

Khi tin ông Nguyễn Phú Trọng lên ngôi chủ tịch nước, Chủ Tịch Trung Quốc tập Cập Bình nhanh chóng gửi điện chúc mừng.

Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam phổ biến bản tuyên bố của Đại Sứ Kritenbrink cũng nhanh nhảu không kém trên trang Facebook lời chúc mừng và ca ngợi.

“Việc lựa chọn ngài Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương của chúng tôi với Việt Nam đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Trong vòng hai thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng nhau tìm kiếm mục tiêu chung dựa trên các lợi ích chung. Chúng ta đã mở rộng mối quan hệ an ninh, thiết lập các quan hệ kinh tế và thương mại mới, và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng ta có chung mong muốn thúc đẩy hoà bình, an ninh, và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tuần trước, 85 người phần đông là những nhân vật tiếng tăm tại Việt Nam, đồng ký tên trong thư ngỏ kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng “ứng viên chủ tịch nước” công bố chương trình hành động và công khai tài sản nhưng không thấy hồi âm hay công khai gì. (TN)

MỚI CẬP NHẬT