Friday, April 19, 2024

Phạt nặng người uống rượu lái xe, cơ hội cho CSGT ăn hối lộ

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Luật mới áp dụng từ ngày 1 Tháng Giêng, 2020, nhằm phạt nặng hơn trước những người uống rượu lái xe tại Việt Nam đang dấy lên những lo ngại tạo cơ hội cho các viên chức cảnh sát giao thông CSVN ăn hối lộ.

Sau nhiều năm ù lỳ không chịu mạnh tay đối phó với tình trạng tai nạn giao thông chết người phần lớn gây ra bởi các người uống rượu say rồi lên xe chạy, chế độ Hà Nội đưa một nghị định mới thay thế cho một nghị định có từ 4 năm trước, gia tăng mức phạt nặng hơn trước nhiều.

Nghị định mang số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt bắt đầu thi hành từ ngày 1 Tháng Giêng, 2020, được hệ thống báo chí tuyên truyền tại Việt Nam liên tục đưa tin về những vụ xử phạt tại nhiều tỉnh thị.

Ông Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng Tuyên Truyền Và Điều Tra, Giải Quyết Tai Nạn Giao Thông thuộc Bộ Công An nói trong cuộc phỏng vấn trên VietNamNet rằng: “Tính đến ngày 6 Tháng Giêng, 2020, đã ‘lập biên bản xử lý hơn 2,000 trường hợp vi phạm. Trong đó có hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (10 trường hợp lái xe hơi, hơn 190 xe gắn máy). Hầu hết người lái xe hơi vi phạm ở mức một, bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (bằng lái) 10-12 tháng.’”

Có báo kể chuyện cảnh sát giao thông (CSGT) bị đánh khi đòi kiểm soát nồng độ cồn, có báo kể chuyện người chạy xe bỏ xe chạy trốn để tránh bị bắt thổi máy đo nồng độ cồn. Các câu chuyện đều muốn cho thấy nhà cầm quyền CSVN quyết liệt đối phó với nạn say rượu lái xe vốn từng bị coi là nguyên nhân của khoảng 70% các tai nạn giao thông chết người.

Tuy nhiên, hệ thống công an CSVN xưa nay nổi tiếng tham nhũng, vòi vĩnh chung chi. Các tướng lãnh ăn hàng triệu đô la thì các viên cảnh sát đứng đường nhặt nhạnh những khoản nhỏ kiểu “năng nhặt chặt bị.” Cũng từng có những lời cáo buộc là để có thể làm một chân CSGT cũng phải “chung chi” hàng trăm ngàn đô la để sau đó từ từ thu hồi vốn liếng đầu tư và kiếm lời.

Tờ Tiền Phong thuật lời ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô-tô Việt Nam cho rằng “việc xử lý vi phạm cần được kiểm soát để tránh “chung chi” giữa người vi phạm và cơ quan xử lý có thể xảy ra. Với mức xử phạt cao gấp nhiều lần trước đây, người vi phạm vì muốn “giải quyết nhanh” khỏi phải đi lại làm thủ tục nhiều lần và cũng được giảm tiền, còn người xử lý vi phạm có tiền bồi dưỡng thêm từ bên ngoài.”

Một ông bị cảnh sát giao thông CSVN buộc thử nồng độ cồn. (Hình: Tiền Phong)

Ông Quyền kêu gọi “việc xử phạt của lực lượng chức năng trên đường cần có sự giám sát thường xuyên của cơ quan chuyên trách như Thanh Tra Công Vụ, Thanh Tra Nhân Dân và cả người dân, người tham gia giao thông.”

Tờ Tuổi Trẻ thuật lời ông Thượng Tá Huỳnh Trung Phong – trưởng Phòng CSGT Đường Bộ, Đường Sắt Của Sở Công An Sài Gòn nói: “Cảnh sát giao thông cam kết không xảy ra tiêu cực khi xử lý ‘ma men.’”

Ông Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội Của Quốc Hội CSVN Đặng Thuần Phong được thuật lời trên tờ Tiền Phong cho rằng: “Nếu không có giám sát thì có thể sẽ trở thành ‘miếng mồi ngon’ để người ta lạm dụng và lợi dụng. Đây cũng là điều đang được dư luận xã hội rất quan tâm và bản thân chúng tôi cũng thấy điều đó.”

Ông này cũng nhìn thấy việc kiểm soát mạnh tay đối với các người uống rượu chạy xe “dễ sinh ra móc ngoặc, chung chi, tôi bỏ cho anh một vài trăm nghìn rồi được đi thay vì xử phạt.”

Nghị định mới này sẽ phạt từ người “điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ” đến người lái xe hơi, người điều khiển xe lửa. Tiền phạt nhẹ nhất “từ 80-100 nghìn đồng nếu điều khiển xe trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở.”

Mức phạt gia tăng đến “6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.4 miligam/1 lít khí thở” và còn bị “tước quyền sử dụng Giấy Phép Lái Xe từ 22 tháng đến 24 tháng.” Trước đây họ chỉ phạt từ 3 đến 4 triệu đồng.

Còn người lái xe hơi bị phạt đến “30 – 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe hơi trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.4 miligam/1 lít khí thở.” Lại còn “bị tước quyền sử dụng Giấy Phép Lái Xe từ 22 đến 24 tháng.” Trước đây họ chỉ bị phạt từ 16 đến 18 triệu đồng.

Hồi Tháng Năm, 2019, tạp chí y khoa Lancet ở Anh Quốc công bố bản nghiên cứu và được một số báo chí quốc tế như Asia Times, Forbes thuật lại, cho hay tình trạng tiêu thụ bia rượu trên thế giới đang trên đà gia tăng. Đứng đầu một biểu đồ về tỉ lệ gia tăng tiêu thụ bia rượu của Lancer là Việt Nam rồi mới đến Ấn Độ và Nhật Bản. (TN)

MỚI CẬP NHẬT