Thursday, April 18, 2024

Phú Quốc: Nhà cầm quyền bất lực với nạn chiếm rừng, phá núi

KIÊN GIANG (NV) – Từ cán bộ, doanh nghiệp đến người dân thi nhau chiếm rừng, phá núi để lấn chiếm đất công gây ra kiện cáo, mất trật tự xã hội nhưng nhà cầm quyền huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hoàn toàn bất lực.

Theo báo Người Lao Động, ngày 28 Tháng Chín, hơn 6 năm nay, ông Hồ Việt Thắng, ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc,  đã gửi đơn đến các cơ quan chính quyền từ xã đến tỉnh để kiện bí thư chi bộ ấp Đường Bào đã phá trắng 14 ha rừng gần nhà của ông. Dù chính quyền xã đã lập biên bản nhưng đến nay, diện tích rừng này đang trong quá trình biến thành khu du lịch.

Gần đây, trên khu vực đỉnh núi Điện Tiên thuộc rừng phòng hộ Phú Quốc, một doanh nghiệp lên đây xây dựng nhà đã bị một lãnh đạo điện lực Phú Quốc cho người đến đập phá gây xôn xao dư luận.

Theo quy hoạch, khu vực núi Điện Tiên sẽ được xây dựng làm khu vực “đồi vọng cảnh” để du khách đến ngắm toàn cảnh Phú Quốc. Thế nhưng đỉnh núi này hiện đang bị phân lô, băm nát quy hoạch với nhiều biệt phủ mọc lên.

Tính đến nay, đã xảy ra 33 vụ phá rừng phòng hộ với diện tích hơn 17,000 mét vuông, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2016.

Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Huỳnh Long Hải, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Phú Quốc, cho rằng, khó khăn nhất hiện nay trong việc phòng chống lấn chiếm đất rừng là tình trạng sang nhượng, mua bán trái phép đất trong diện tích đất rừng phòng hộ và cả vườn quốc gia.

“Các đối tượng mua bán đất trái phép thuê những người từ nơi khác đến hoặc người Kh’me đi chặt phá cây rừng và trồng cây trái phép bất kể ngày đêm. Khi bắt được, rất khó xử lý vì kiểm lâm chỉ có quyền giữ 24 giờ, quá thời hạn phải cho thả về,” ông Hải nói.

Song, đáng chú ý là một số vụ vi phạm về lấn chiếm rừng dính líu đến các băng nhóm và có liên quan đến nguồn gốc rẫy cũ đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận qua các thời lãnh đạo huyện, nhưng hiện nay nằm trong ranh giới rừng.

Mặt khác, một số diện tích rừng phòng hộ đã giao cho các dự án nhưng chậm triển khai nên người dân vẫn lén lút vào chặt phá, lấn, chiếm rừng nên không phát hiện kịp thời.

Thừa nhận tình trạng nhiều băng nhóm đứng ra bảo kê bán đất rừng, ông Hải cho biết, khi có tranh chấp, những băng nhóm này sẵn sàng chém giết để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều trường hợp làm sơ đồ, nguồn gốc giấy tờ đất giả mạo. (Tr.N)

Nhân viên Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ bị cướp giữa đêm tại Sài Gòn

MỚI CẬP NHẬT