Thursday, April 18, 2024

Quốc Hội họp, chuẩn bị đưa ông Trọng nắm thêm ghế chủ tịch nước

HÀ NỘI (NV) – Quốc Hội CSVN bắt đầu họp khóa cuối năm hôm Thứ Hai, 22 Tháng Mười, với báo cáo kinh tế tài chính và thủ tục đưa tổng bí thư đảng ứng cử độc diễn, ôm luôn ghế chủ tịch nước.

Quốc Hội CSVN được báo chí quốc tế đặt cho cái tên “con dấu cao su” vì các cuộc thảo luận về những chính sách, dự luật để thông qua hoàn toàn có tính cách hình thức. Đại biểu Quốc Hội đều là đảng viên của đảng CSVN do chính họ “cơ cấu” với nhau theo phe cánh nội bộ rồi bắt dân chúng bỏ phiếu. Tất cả những ai ứng cử độc lập đều bị gạt ra ngoài.

Bởi vậy, đại biểu Quốc Hội cũng chỉ là đảng viên cấp cao vừa là chức sắc cầm quyền từ trung ương tới địa phương lại vừa là “đại biểu Quốc Hội.” Chính quyền cũng là họ mà “đại biểu nhân dân” cũng là họ.

Ngày đầu tiên của khóa họp, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khoe thành tích kinh tế xã hội “vượt” chỉ tiêu tăng trưởng. “GDP bình quân đầu người ước đạt 2,540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015,” báo chí trong nước thuật bản báo cáo ông đọc. Và “kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11.7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, tăng 11.2% so với cùng kỳ năm ngoái.”

Chế độ Hà Nội có thói quen cộng luôn các con số thống kê kinh doanh của các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam làm của mình để khoe thành tích. Theo các con số thống kê của Tổng Cục Hải Quan CSVN, hơn 70% tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là từ khối đầu tư ngoại quốc, không phải từ “nội lực” của người Việt Nam.

Buổi chiều cùng ngày, bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “thay mặt Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trình bày ‘tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc Hội bầu chủ tịch nước,’” theo bản tin chinhphu.vn. Tờ trình chỉ có tên ông Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là “ứng cử viên” duy nhất cho các ghế chủ tịch nước để lại từ khi ông Trần Đại Quang chết ngày 21 Tháng Chín, 2018.

Dự trù Quốc Hội “con dấu cao su” sẽ “bỏ phiếu kín” sáng ngày Thứ Ba, kiểm phiếu thấy ai cũng “nhất trí” rồi buồi chiều cùng ngày ông Trọng sẽ chính thức ôm luôn cả hai cái ghế mà ông thanh minh là “giải pháp tình huống” ông không nhận nếu ông muốn.

Suốt nhiều năm qua, hệ thống quyền lực chóp bu của CSVN gồm “tứ trụ” tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng. Tuy tất cả đều phải là đảng viên nằm trong bộ chính trị tức cơ chế cao nhất của đảng, cái ghế chủ tịch nước chỉ mang tính cách lễ nghi. Cái ghế chủ tịch Quốc Hội cũng chỉ là cái đầu của con dấu cao su. Quyền hành thật sự nằm trong tay tổng bí thư đảng, điều hành guồng máy nhà nước là thủ tướng.

Một số nhà phân tích thời sự cho rằng khi Nguyễn Phú Trọng ôm luôn cái ghế chủ tịch nước, ông ta sẽ mạnh tay hơn đối với tham nhũng khi tư thế chính trị của ông ta thêm củng cố. Ông ta cũng “mát mặt” hơn khi ra nước ngoài vì được đón tiếp theo thủ tục nghi lễ trong tư cách chủ tịch nước.

Cuối tuần qua, 85 nhân vật phần đông là những đảng viên có tiếng tăm tại Việt Nam, gửi một bức thư ngỏ yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng công khai chương trình hành động và công bố bản kê khai tài sản trước khi được bầu làm chủ tịch nước. Họ cũng đã từng gửi bức thư ngỏ cách đây 5 tháng đòi ông công khai tài sản. Các thư ngỏ này không hề được đáp ứng.

Người ta chỉ thấy trong sự cai trị bàn tay sắt của ông Nguyễn Phú Trọng, số người dân bất đồng chính kiến bị bắt bỏ tù ngày một nhiều hơn và các bản án nặng hơn trước rất nhiều. Bản án nặng nhất là bỏ tù 20 năm ông Lê Đình Lượng, một giáo dân công giáo tại Nghệ An từng biểu tình chống công ty Formosa đầu độc biển, chống độc tài đảng trị, đòi tự do tôn giáo.

Cho tới nay, người ta không biết chế độ Hà Nội sẽ tiếp tục hợp nhất hai cái ghế tổng bí thư đảng và chủ tịch nước khi đảng CSVN họp đại hội xóc bài làm lại vào đầu năm 2021, hay vẫn tách ra thành hai ghế riêng biệt như trước. (TN)   

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT