Thursday, March 28, 2024

‘Rà soát’ lại kết quả thi trung học thêm tại bốn tỉnh

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Từ phản ứng của dư luận, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN đã lập các tổ đi “rà soát” lại bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông “2 trong 1” vì điểm cao bất thường của nhiều thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Việt Nam vài năm trở lại đây được gọi là kỳ thi “2 trong 1” vì kết quả kỳ thi được dùng để xét tuyển vào các trường đại học tùy theo điểm tiêu chuẩn của từng trường, mà không phải dự thi thêm một lần nữa. Điểm thi tốt nghiệp trung học thấp thì “nguyện vọng” muốn xin vào học tại trường đạo học nào, ngành nào, cũng không được.

Cho đến Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy, 2018, theo tin nhiều báo tại Việt Nam, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã lập các “tổ công tác” đi “kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi trung học phổ thông” năm 2018 ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre. Trên thực tế là các tổ công tác “chấm thẩm định” lại các bài thi của thí sinh các tỉnh bị tình nghi có điểm cao bất bình thường để xác định xem điểm số có đúng với “đáp án” của thí sinh hay đã được sửa “nâng” điểm.

Theo tiết lộ trên mặt báo, phân tích dữ liệu điểm thi trung học diễn ra hồi đầu tháng, người ta thấy điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La chỉ kém Hà Giang, còn lại vượt xa các tỉnh, thành khác.

Theo tờ Dân Trí đưa tin hôm Chủ Nhật, nghi vấn điểm thi bất thường ở Hòa Bình được đặt ra khi số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27 em, chiếm 4.7% cả nước. Trong khi, với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn rất nhiều, cả tỉnh chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0.46% cả nước.

Tại tỉnh Sơn La, sau khi “chấm thẩm định,” người ta thấy dấu hiệu hàng chục bài thi đã được sửa điểm từ rất thấp lên thành điểm cao.

Các vụ “rà soát” này tiếp nối theo mấy ngày “rà soát” tức chấm lại bài thi trung học của các thí sinh tỉnh Hà Giang hồi tuần qua, đưa tới kết quả khiến mọi người ngã ngửa. Hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tỉnh Hà Giang đã được sửa tăng điểm lên rất cao từ điểm thật rất thấp qua sự phù phép của ông Vũ Trọng Lương, phó trưởng Phòng Khảo Thí và Quản Lý Chất Lượng, Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Hà Giang.

Báo chí trong nước tuần qua đã “bật mí” từ cuộc điều tra về những việc làm bất hợp pháp của ông Lương từ di chuyển bài thi của thí sinh về phòng của mình để sửa điểm. Ông ta đã phá niêm phong của hội đồng chấm thi, sau khi sửa, làm một cái niêm phong khác thay thế. Nhiều người tin rằng, qua sự vắng mặt hay tiếp tay của một số viên chức khác có trách nhiệm trong vụ chấm thi trong học tại địa phương, không phải chỉ một mình ông Lương trong trò gian này.

Báo chí cũng tiết lộ là trên điện thoại của ông Lương có rất nhiều tin nhắn với số báo danh của các thí sinh được ông sửa nâng điểm. Chỉ kể riêng môn Toán, có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1.0 điểm đến 8.0 điểm (nghĩa là bài chấm lại chỉ đạt 1.0 điểm, nhưng điểm từng công bố trước đó là 9.0 điểm).

Ngày 19 Tháng Bảy, 2018 ông Vũ Trọng Lương, 40 tuổi, bị khởi tố và tống giam trong khi cuộc điều tra đang còn tiếp diễn.

Ngày 11 Tháng Bảy, 2018, khi Bộ Giáo Dục công bố điểm thi trung học, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi kết quả điểm cao bất thường của tỉnh miền núi biên giới Hà Giang, nổi bật nhất ở các môn Vật lý, Hóa học và Toán. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 bài từ 9 điểm trở lên, chiếm 6.7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó Sài Gòn với 49,680 thí sinh thi Vật lý chỉ có 39 bài từ 9 điểm trở lên (0.07%). Tỷ lệ điểm “giỏi” của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.

Tin tức tiết lộ trên tờ Dân Việt hồi tuần qua cho biết, hầu như các cô cậu thi trung học ở Hà Giang được nâng điểm từ rất thấp dưới trung bình lên cao hàng xuất chúng, có “nguyện vọng” vào học tại các trường đại học “công an.”

“Các phụ huynh mà phóng viên tiếp xúc đã khẳng định đa số các trường hợp chạy điểm đều nộp đơn vào các trường khối ngành công an bởi chỉ cần thi đỗ là được ‘biên chế cả đời’ và không phải lo học phí kèm nhiều quyền lợi khác,” báo Dân Việt ngày 19 Tháng Bảy, 2018 viết.

Theo trang điện tử của VOV ngày 18 Tháng Bảy, 2018, các thí sinh được sửa nâng điểm phải là con em của những gia đình “có tiền” hay “có quyền.” (TN)

Mời độc giả xem phóng sự Việt Nam “Văn hóa Ê Đê ở Ban Mê Thuột

MỚI CẬP NHẬT