Friday, March 29, 2024

Sài Gòn: Bên kia sông có là ánh mặt trời?

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Bên kia sông là ánh mặt trời…,” tên một bài hát và là lời nhạc trong một nhạc phẩm do cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập chuyện văn nghệ, mà chỉ muốn nói khía cạnh đời sống – kinh tế – chính trị, để coi “bên kia sông” Sài Gòn có thực sự là ánh mặt trời, như nhà cầm quyền thành phố này mơ mộng?

Câu chuyện bên kia sông

Kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2012, bến phà Thủ Thiêm chính thức đóng cửa. Và bên kia sông, tức bên bờ Thủ Thiêm (nhìn từ bến Bạch Đằng – Sài Gòn) ngó qua, đã là một vùng chính thức bị “giải tỏa” trắng. Để kể từ đây, ban lãnh đạo Cộng Sản thành phố Sài Gòn bắt đầu xúc tiến giấc mơ “bên kia sông” với hy vọng biến Thủ Thiêm thành trung tâm hành chánh – thương mại – văn hóa… của một Sài Gòn mới.

Nhưng từ giấc mơ tới hiện thực đúng là một khoảng cách lớn, khi từ 6 năm qua tới nay (2018) kế hoạch thực hiện chỉ là bản vẽ trên… giấy. Và từ Sài Gòn nhìn qua bên kia sông vẫn là một khoảng trống… đen ngòm.

Dù ban lãnh đạo cộng sản thành phố này đã cố gắng mời một quốc gia thanh lịch thuộc hàng đầu châu Âu tư vấn giúp đỡ cho dự án “bên kia sông.” Nhưng chỉ nhận được sự giúp đỡ về mặt tư vấn thiết kế. Còn về phương diện tài chánh vẫn là con số không. Có lẽ, chỉ có những đầu óc thuộc hàng “đỉnh cao trí tuệ,” mới tin rằng có thể xây thiên đường Cộng Sản bằng tiền… tư bản.

Không có tiền đầu tư của tư bản ngoại quốc, dự án bên kia sông đành nằm im “bất động” suốt mấy năm nay. Nhưng giới “Tư bản đỏ” trong nước cũng thừa “nước đục thả câu” và mưu toan vớ bẩm.

Theo báo cáo, hiện có gần 30 ngàn căn chúng cư (thuộc diện nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội) không có ai… tới ở. Nực cười thay, hàng ngàn gia đình bên kia sông sau khi nhận tiền đền bù và chịu bị giải tỏa, họ đã phải kéo qua bên đây Sài Gòn. Phải đi thuê nhà trong các khu ổ chuột và thất thểu mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn. Là vì, với số tiền đền bù khoảng 600 triệu, trong khi một căn chúng cư “tái định cư” phải có giá từ 2-3 tỷ đồng. Dù được “cam kết” ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi trong vòng 20 năm. Nhưng do thủ tục rắc rối theo lề lối “hành là chánh” nên dân nghèo chẳng mấy ai mặn mà, chưa kể “dồn cục” hết vô chung cư, kiếm ăn từng bữa đã khó, tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng. Cuối cùng, người dân đành bán “lúa non” suất tái định cư, rồi bồng bế dắt díu nhau qua bên đây bờ sông Sài Gòn. Để đêm đêm trằn trọc, không yên giấc trong cái nóng hầm hập từ những con hẻm nhỏ Sài Gòn, nhớ từng cơn gió mát Thủ Thiêm một thời lồng lộng, mát rượi tâm can.

Chủ đầu tư thì vội vàng, hý hửng báo cáo là vì nhà ở tái định cư “không người tới ở,” nên xin chuyển đổi công năng từ cao ốc nhà ở sang thành… trung tâm thương mại. Với chiêu thức “hóa đá thành vàng” này, giới đầu tư hốt bạc. Trong khi ngân sách thì cũng chỉ thu thêm được ít tiền thuế… tượng trưng. Điều này giải thích tại sao mấy “tỷ phú đỏ” ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong giới mua bán chính sách – bất động sản.

Một người dân ngồi câu cá bên phía bờ Thủ Thiêm, phía bên kia là trung tâm thành phố Sài Gòn. (Hình: Getty Images)

Bên kia sông vắng tiếng chuông chùa

Văn, thơ, nhạc… Việt Nam (dù là trong thời cộng sản), để ca ngợi một vùng đất yên bình (dù là trong nghèo đói), không thể thiếu tiếng chuông chùa trầm buông khi chiều xuống. Hay tiếng chuông nhà thờ rộn vang xa, khi nắng lấp lánh trên dòng sông sóng vỗ đôi bờ…

Nhưng gần đây, bên kia bờ Thủ Thiêm đã vắng tiếng chuông chùa, khi chùa Liên Trì bị “xóa.”

Phơi mình trong nắng chiều hiu quạnh, là số phận mong manh của nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Chính sách tách biệt tôn giáo khỏi dân, xưa nay vẫn là “quốc sách” của Cộng Sản.

Những khu đô thị mới, tuyệt nhiên không cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo (bất kể đình, chùa, nhà thờ hay miếu, đền).

Điển hình như khu Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn. Dù chủ đầu tư, cũng như một vài chức sắc hiểu chuyện trong chính quyền đã hết sức kiên nhẫn trong việc “chạy” xin giấy phép cho một vài công trình tôn giáo. Vì họ hiểu, muốn cộng đồng thịnh vượng phải “an cư lạc nghiệp,” như thế không thể không an định tâm linh. Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản, nhất quyết từ chối cấp phép xây dựng.

Điều này dẫn tới việc có rất nhiều doanh nhân gốc Nam Hàn, đem theo cả gia đình tới sinh sống ở Phú Mỹ Hưng. Nhưng do không có nhà thờ, nhiều người Nam Hàn phải dùng Văn phòng công ty làm nhà nguyện (đa số dân Nam Hàn ở Sài Gòn theo đạo Tin Lành).

Việt Nam lâu nay rất muốn lấy lòng Nam Hàn, và cộng đồng Nam Hàn ở Việt Nam là đông nhất trong khối ngoại quốc, đa số họ tỏ ra hòa đồng, thân thiện với dân Việt. Nhưng chỉ với một việc đơn giản là có “nhà nguyện” cũng không được chấp thuận. Việt Nam rõ ràng đang theo đuổi chính sách “thêm thù, bớt bạn.” Trong khi đó rõ ràng thế nước đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc.”

Vì sự ấu trĩ của người cộng sản vô thần, cộng thêm thói kiêu căng, thiển cận… Cộng Sản Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ có thể hiểu ra một điều giản dị, nhưng lại là chân lý muôn đời là: “Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy.” (Văn Lang)

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Triển lãm tranh thiếu nhi 2018”

MỚI CẬP NHẬT