Friday, March 29, 2024

Sài Gòn chi hơn $2 triệu mua nhạc cụ giao hưởng về ‘trùm mền’ từ 10 năm qua

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cả trăm loại nhạc cụ giao hưởng với tổng trị giá 47 tỷ đồng (hơn $2 triệu) do Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn đầu tư cho Nhà Hát Giao Hưởng-Nhạc-Vũ Kịch thành phố (HBSO) từ 10 năm trước nhưng nhiều loại đến nay mới chỉ diễn… một lần.

Hôm 13 Tháng Mười, 2018, báo Zing cho hay, các nhạc cụ “được mua theo tiêu chuẩn, chất lượng của dàn nhạc Châu Âu” hiện đang được “trùm mền” tại rạp Thanh Vân ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 và được ghi nhận trong tình trạng “bọc kín nhiều lớp nên còn khá mới.”

Lâu lâu khi có show diễn tại các nhà hát khác ở Sài Gòn, các nhạc cụ này được “chở đi chở về trên hai, ba chiếc xe vận tải.” Tuy vậy có một số nhạc cụ như chiếc piano Bosendorfer đắt tiền và là “chiếc duy nhất ở Việt Nam” được ghi nhận chưa hề được đem ra biểu diễn lần nào.

Và để số nhạc cụ nêu trên không xuống cấp, sáu cái máy lạnh công suất lớn được trang bị trong kho.

Việc đã lỡ chi hơn $2 triệu mua nhạc cụ giao hưởng về rồi bỏ không cũng được suy đoán là lý do khiến chính quyền ở Sài Gòn “phóng lao phải theo lao,” thông qua việc xây nhà hát $64 triệu với cái cớ là “để tận dụng kho nhạc cụ.”

Điều này được chính ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao thành phố, xác nhận trên báo Đời Sống & Pháp Lý: “Chính quyền thành phố đã có chủ trương đầu tư 47 tỷ đồng mua sắm phương tiện phục vụ biểu diễn và hiện có khó khăn trong việc bảo quản số nhạc cụ này. Do vậy, nhà hát mới tại Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ giải quyết mối lo này.”

Chiếc piano thương hiệu Bosendorfer nổi tiếng xuất xứ từ Austria có giá trị lớn nhất trong bộ nhạc cụ nhưng chưa được biểu diễn lần nào. (Hình: Zing)

Và đó cũng là lý do chính khiến ông Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà Hát HBSO, khẳng định trên báo Tiền Phong rằng: “Đến bây giờ mới xây nhà hát giao hưởng $64 triệu đã là hơi muộn.”

Trong một diễn biến khác, báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Nhà Hát HBSO mỗi tháng chỉ có ba suất diễn có bán vé và các nghệ sĩ thuộc nhà hát này “khá vất vả vì không có chỗ làm nghề ổn định.”

Thực trạng của việc bỏ không kho nhạc cụ $2 triệu cùng với việc Nhà Hát HBSO hoạt động cầm chừng càng khiến công luận quan ngại về việc chính quyền ở Sài Gòn đang lấy cái sai này để sửa cái sai khác và những “cái sai” càng về sau càng đắt đỏ hơn.

Theo suy đoán của giới quan sát, việc xây nhà hát giao hưởng $64 triệu ở Thủ Thiêm chắc chắn sẽ được tiến hành, cho dù công luận có phản ứng gay gắt đến mức độ nào.

Bởi lẽ, việc lãng phí hàng chục triệu đô la cho các công trình “nhân danh cho lợi ích của nhân dân” đến nay tại Việt Nam là đã có tiền lệ ở các địa phương. Và một lý do khác quan trọng hơn, không có quan chức nào bị quy trách nhiệm sau những vụ lãng phí ngân sách như thế này. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT