Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn, chợ Xóm Củi không còn bán củi

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Từ xưa, người lớn tuổi đi xe đò từ Gò Công, Cần Đước, Cần Giuộc… lên Chợ Lớn vẫn nhớ bến xe Xóm Củi. Bến xe ở ngay phía trước chợ Xóm Củi một thời là bến cuối để người người ở các thị trấn hay vùng quê phía Nam đặt chân đến Sài Gòn.

Sau biến cố 1975 ít lâu, bến xe bị chiếm để xây lên một trung tâm thương mại nhưng rồi cũng chỉ có lèo tèo vài công ty thuê mướn kinh doanh.

Muốn đi chợ Xóm Củi thì chỉ cần ôm vòng xoay có tượng anh hùng Phan Đình Phùng từ thời VNCH, qua cầu Chà Và, cây cầu ngày nay vắt ngang qua cả đại lộ Võ Văn kiệt và kênh Tàu Hủ là đến.

Một mặt tiền khác của chợ Xóm Củi là từ hướng đường Hưng Phú, quận 8. Hướng vô chợ này, ngày xưa là thủy lộ của các loại ghe thuyền đi theo cách dòng kênh rạch chằng chịt đưa các loại nông hải sản vô chợ, và thứ cồng kềnh nhất chính là củi để hình thành danh xưng chợ Xóm Củi.

Hẳn nhiên, trước khi có loại bếp lò đốt bằng dầu lửa thì chất đốt chính của mọi bếp nhà và các lò tiểu thủ công nghiệp của người Chợ Lớn-Sài Gòn xưa là than và củi.

Nói về than, củi, trước 1975, ngoài các cánh rừng ở các tỉnh miền Đông thì các cánh rừng nước mặn, nước lợ ở phía Nam Sài Gòn là nguồn cung cấp chất đốt chính cho đô thị lớn nhất nước. Dù các cánh rừng này đã bị đốn dọn sạch gọn để chế độ và tư bản đỏ hình thành các khu nhà ở sang trọng kiểu Phú Mỹ Hưng, nhưng không ai biết do cơ may nào mà cái chợ Xóm Củi dù từ hàng chục năm qua không còn bán củi vẫn còn đó.

Chúng tôi tấp vào một xe hủ tíu mì ở góc ngã tư đường Tùng Thiện Vương và đường Xóm Củi, để vừa ăn sáng vừa hỏi chuyện vì sao chợ mang tên Xóm Củi mà không thấy bán cây củi nào.

Một bà nội trợ lớn tuổi ngồi cùng bàn ăn nói: “Chú muốn mua nhà, mua xe, mua gì cũng có chớ đâu riêng gì chợ, cả khu này kiếm một cây củi không ra đâu. Có ai xài củi nữa đâu chú ơi!”

Chợ Xóm Củi ngày nay với tòa nhà thương mại xây sau 1975 giờ thành hoang phế. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Những người lớn tuổi ở đây cho biết, loại củi góp phần cho nơi này nổi tiếng đó là củi và than của cây Đước. Đây là loại gỗ tốt hàng đầu của rừng nước mặn duyên hải miền Nam, sau mới đến củi cây Mắm, cây Bần; người nghèo miệt Lục Tỉnh xưa chọn thân gỗ cây Đước lớn dùng làm cột nhà, cành nhánh thì làm củi hoặc hầm lấy than củi.

Ngày nay, từ hướng cầu Chữ Y, đường Hưng Phú quận 8, người đi chợ có thể chạy xe gắn máy một lèo vô chợ, thành ra ngoài dân địa phương, khách lạ chẳng mấy biết địa danh rạch Ụ Cây cũng như không biết chuyện cả vùng này từng có thời là cứ địa của nhân vật lừng danh Bảy Viễn và đội quân Bình Xuyên của ông. Nhưng tình tiết truyền khẩu về chuyện ông Bảy Viễn từ một tay trùm giang hồ trở thành một vị tướng, được vua Bảo Đại nhận làm em nuôi, rồi thất trận lưu vong vẫn là mỏ vàng đề tài cho tiểu thuyết, phim ảnh.

Rạch Ụ Cây với các nhánh nhỏ ngày xưa thủy lộ chính của cả vùng Chánh Hưng là nơi dân nghèo tứ xứ người Việt, người Hoa đến lấy cây Đước cây, Mắm làm cột, lấy lá dừa nước lợp mái nhà.

Hỏi chuyện một cụ già đang ngồi uống cà phê trong cái quán nhỏ bên cạnh ngôi đình Tân Phong, ông kể, thời ông còn con nít, có nghe kể là tướng cướp Bảy Viễn khởi sự bảo kê từ bến Bình Đông-Xóm Củi, rồi có lúc chọn khu này làm cứ địa của quân Bình Xuyên. Thật ra dân ở đây đều là dân nghèo chạy giặc từ các tỉnh về theo chủ ghe đi miệt rừng Sát, Cần Giờ đốn củi hay mò cua bắt cá kiếm tiền đong gạo, chớ đâu phải ai cũng là dân giang hồ liều mạng. Khi ông Tổng Tống Ngô Đình Diệm dẹp yên Bình Xuyên thì dưới Phạm Thế Hiển có thêm dân xóm đạo di cư từ miền Bắc vô.

Từ khi cầu Chà Và được mở rộng lại có thêm cầu Nguyễn Trị Phương, Tàu Hủ, nên cả khu vực Rạch Ụ Cây, chợ Xóm Củi trở thành đắc địa cho các dự án kinh doanh địa ốc của giới tư sản đỏ. Việc chợ Xóm Củi vẫn nguyên trạng như một phế tích trong khi từ hướng đường Hưng Phú, khu rạch Ụ Cây, đường được mở, bờ kè rạch đượp ốp đá, cho thấy chẳng bao lâu nữa vùng đất của người lao động nghèo này sẽ được sang đoạt qua tay giới nhà giàu mới phất.

Dù hiện tại, không gian chợ Xóm Củi hay khu Chánh Hưng, Hưng Phú… cũng chẳng còn gì kiến trúc, cảnh trí nhiều để gợi nhớ về Sài Gòn-Chợ Lớn xưa, nhưng nếu có dịp đi chợ Xóm Củi, mua một mớ cá một xâu cua, hay bó rau, các sản vật từ các cánh đồng, dòng kênh, con rạch chằng chịt khắp vùng Tây Nam Sài Gòn, thì cũng là dịp để hiểu thêm về đời sống và văn hóa của cư dân miệt sông nước ven đô thành đã góp phần tạo nên một Sài Gòn-Chợ Lớn. (Trần Tiến Dũng)

Mời độc giả xem phóng sự “Lễ kiến tạo Mạn Đà La Mật Tông lần đầu tiên tại Little Saigon”

MỚI CẬP NHẬT