Friday, April 19, 2024

Sài Gòn có đường Nguyễn Thị Nhỏ: Rối rắm, hoa mắt, điên đầu

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thành phố Sài Gòn loạn số nhà, tên đường, thì ai cũng biết, nhưng không cách gì để cười trừ cho qua được, mỗi khi chính mình có việc đi tìm đường hay tìm nhà rồi phát hiện mình là nạn nhân đang bị sự loạn xà ngầu này nó hành hạ nhận thức. Xin đưa ra đây một thí dụ điển hình.

Vùng Chợ Lớn của đô thành Sài Gòn thời VNCH có một con đường mang tên Dương Công Trừng, ông người xứ Long Xuyên, ông danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long). Do thường lập được công, lại kiêu dũng, nên ông còn được người đời gọi là hổ tướng họ Dương.

Sau biến cố 1975, chế độ Cộng Sản tùy tiện phủ nhận lịch sử, xóa bỏ hết các tên đường, địa danh mang các tên vua, chúa đại thần, danh nhân thuộc chín đời Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong và 13 đời vua Triều Nguyễn thống nhất Việt Nam, bắt đầu từ năm 1558 đến năm 1945 xuyên suốt gần 400 trăm năm.

Tất nhiên việc tên đường mang tên hổ tướng Dương Công Trừng bị xóa để thay vào một cái tên đường đặt theo tên một bà đảng viên Cộng Sản thời kỳ chống Tây, bà Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở Long An. Việc này, cũng không đáng nói bằng việc cái con đường Nguyễn Thị Nhỏ này bỗng thành con đường đạt những kỷ lục rối rắm về địa danh hành chánh.

Một ngôi chùa của người Hoa Chợ Lớn nằm cạnh đồn Cây Mai nổi danh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Đường Nguyễn Thị Nhỏ (tạm gọi là đường Nguyễn Thị Nhỏ chính), nối từ đường 3/2 (Trần Quốc Toản cũ) đến đường Trang Tử (bến xe Chợ Lớn cũ); đường ngắn cỡ chừng 2 km nhưng đi qua ba quận gồm quận 11, quận 6 và quận 5.

Nếu ở đoạn quận 11 thì nó xuyên qua 3 phường là phường 4, phường 6, phường 16; đến quận 5 thì nó đi xuyên qua phường 14, phường 15, tới quận 6 thì xuyên qua phường 2.

Kể thì dễ như vậy nhưng nếu người có tuổi đi tìm phường, tìm nhà ở con đường Nguyễn Thị Nhỏ này mà ngó theo bảng hiệu hàng quán có ghi địa chỉ hai bên đường để dò cho ra thì thế nào cũng điên đầu hoa mắt. Còn nếu đám trẻ tự tin vào GoogleMap mà đảo mắt lia lịa để tìm địa chỉ thì có khi bị tai nạn xe cộ như chơi; đó là mới nói về tìm nhà ở mặt tiền đường chớ chưa nói đến hẻm hay nói đến chuyện loạn trật tự số nhà.

Đâu phải vậy mà yên, dưới thời “mấy ông Việt Cộng,” cái đường Nguyễn Thị Nhỏ (chính) ngang nhiên đẻ ra thêm một đường Nguyễn Thị Nhỏ (phụ); mà kỳ quái thay lại cũng thuộc quận 11, nhưng cách khoảng xa tuốt phía trường đua Phú Thọ-Lữ Gia.

Góc đường Nguyễn Thị Nhỏ (phụ) và Lữ Gia, thuộc quận 11, Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cái đoạn đường Nguyễn Thị Nhỏ phụ này ngắn ngủn, một bên là phường 9, Tân Bình, một bên là phường 15, quận 11. Từ bùng binh Lê Đại Hành chạy rề xe về hướng đường Lý Tường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ) thì tự nhiên đường Nguyễn Thị Nhỏ phụ hết ngang, người lạ tìm nhà ngó dáo dác – ngơ ngác thì mới biết cũng cùng một con đường thẳng, chẳng hề có dấu hiệu gì ráo mà lại tự chuyển sang thành tên đường Thiên Phước, vậy mới điên đời!

Tổng kết lại thì cả hai con đường Nguyễn Thị Nhỏ cộng lại chưa chắc dài được 3 km, mà phải qua 4 quận, 8 phường.

Thời chưa có “ông thầy Google Map,” đến mấy ông phát thư bưu điện cũng lộn tùng phèo giữa bà Nhỏ chính với bà Nhỏ phụ. Đến thời thương mại điện tử các tay trẻ chuyên nghề cỡi xe máy giao hàng cho khách, dù có kè kè cái Smartphone gọi cho khách mua hàng để nhờ chỉ đường cũng phải hỏi đi hỏi lại qua điện thoại, có khi khách mua hàng bực bội, hét qua di động: “Ông nội ơi, người xứ nào mà lù khù vậy cha, Nhỏ phường 15 chớ hổng phải Nhỏ phường 16 đâu nghe.”

Một quầy bán thức ăn đường phố ở cuối đường Nguyễn Thị Nhỏ (phụ). (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhưng cũng có cái lạ là nhiều vị Việt kiều lớn tuổi, xa Sài Gòn lâu ngày và dù mù tịt về đường Nguyễn Thị Nhỏ (chính), nhưng nếu ai đó chỉ rằng, con đường bên hông đồn Cây Mai là họ nhớ đường Dương Công Trừng, còn nếu cho địa chỉ là đường Nguyễn Thị Nhỏ (phụ), thì kể dùm thêm gần trường đua Phú Thọ trước nhà thờ Hầm cũ thì họ biết ngay.

Đồn Cây Mai ngày nay dù có đi qua đi lại để tìm cũng khó thấy lắm, vì các khu đất, hào công sự quanh cái đồn nổi tiếng của Thành Gia Định dưới triều Nguyễn và thời Tây nay đã bị cán bộ chiếm cất nhà kín mít phía dồn cái đồn có bội đội chiếm đóng vô chỗ bít bùng. Còn cái nhà thờ địa danh nhà thờ Hầm cũ, lớp người trẻ chẳng mấy ai biết vì địa điểm nay đã thành công viên Tân Phước, bên cạnh nhà thờ Tân Phước.

Ngày nay, dư luận ai cũng ta thán về các vấn nạn xã hội ngày một trầm trọng của Sài Gòn như ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm hay cướp, giết, hiếp… nhưng cũng cần kể thêm về vấn nạn loạn quy hoạch đô thị về tên đường, số nhà đạt đến mức hoa mắt, điên đầu. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT