Wednesday, April 24, 2024

Sài Gòn có những căn ‘nhà siêu nhỏ’

Bình Lâm/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Đất chật người đông, Sài Gòn xuất hiện rất nhiều ngôi nhà nhỏ đến kỳ dị trong lòng thành phố, mà người ta gọi là “nhà siêu nhỏ.”

Những căn nhà này có thể mọc lên trên lề đường, một phần hẻm, trên khoảng không của hẻm, thậm chí là tận dụng khoảng hở rất hẹp giữa 2 ngôi nhà cạnh nhau. Đây hầu hết là nhà lấn chiếm do người nghèo xây dựng trong khoảng thập niên 90 đến nay. Người dân phải nghĩ ra rất nhiều cách để phù hợp với điều kiện sống quá chật chội.

Có thể nói, những ngôi “nhà siêu nhỏ” ở Sài Gòn là ví dụ gần nhất và đầy hình ảnh cho câu nói “tấc đất tấc vàng.” Một trong những ngôi nhà kỳ nhất Sài Gòn nằm tại số 9, đường Lê Thạch, quận 4. Bề ngang của căn nhà chỉ chừng 80 cm nhưng nó cao đến 3 tầng. “Bất động sản” này được hình thành giữa khe hở của 2 ngôi nhà cao tầng kề nhau. Dù vậy, trông nó khá khang trang với vẻ kiên cố, nhiều cửa sổ và lại còn có cả cửa cuốn bấm điện.

Ngôi nhà (bên phải) của ông Huỳnh Quang Trung trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)
Ngôi nhà (bên phải) của ông Huỳnh Quang Trung trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)

Lụp xụp hơn nhưng cũng cao đến 3 tầng, ngôi nhà của ông Trương Minh Tuấn ở hẻm số 178, đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, chỉ đủ đi lọt 1 người đi vào. Phần tầng trệt có mỗi nhà vệ sinh, cái bếp và diện tích còn lại dành cho chiếc thang gỗ bắc lên phòng trên.

“Tui đi bán vé số cả ngày bên ngoài, tối về đây chỉ để ngả lưng ngủ. Chật quá, vô nhà là hết đụng cái này sang cái kia. Ngủ thì chỉ nằm dọc, xoay đi xoay lại cũng có một chỗ một,” ông Tuấn kể.

Nơi tập trung hàng loạt ngôi “nhà siêu nhỏ” san sát nhau là đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3. Dọc theo vị trí của đường rầy xe lửa nội ô cũ, từ hàng chục năm qua đã xuất hiện một dãy nhà có kiến trúc kiểu như… chùa một cột hay là hình cây!

Dãy nhà có kiến trúc kiểu “chùa một cột” trên đường Nguyễn Thượng Hiền. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)
Dãy nhà có kiến trúc kiểu “chùa một cột” trên đường Nguyễn Thượng Hiền. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)

Do khoảng đất trống quá hẹp, chiều sâu của nền nhà chỉ chừng 1 mét. Và khi xây lầu trên, chủ nhà cho nó phình to ra gấp đôi để có thể làm cái phòng ngủ.

Tuy vậy, phần lớn các sinh hoạt làm ăn, buôn bán thì phải diễn ra ở bên dưới, trên một diện tích bé tí. Đi ngang con đường này, chúng ta có thể thấy cảnh một người nằm trong nhà nhưng chân thì duỗi ra tận… mặt đường. Võng, xe gắn máy, xe đạp và nhiều vật dụng khác cũng phải nằm nửa trong nửa ngoài như vậy.

Người dân ở đây đa số không có nghề nghiệp, họ phải tận dụng lợi thế “mặt tiền” để mưu sinh bằng buôn bán đồ ăn, quán cóc. Nhà dù rất nhỏ, nhưng vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh nên cuộc sống đã chật chội lại càng chật chội hơn. Có cảm giác như phần lớn gia sản, vật dụng của họ đều được đưa ra để trên lề đường. Phần dành cho người đi bộ bị chiếm trọn, và lòng đường cũng bị chiếm một phần. Đặc biệt là vào buổi tối, khi nơi này biến thành phố ăn nhậu bình dân, thì thật khó khăn cho những ai qua lại đây bằng xe hơi hay xe gắn máy.

Rất nhiều con đường hẻm chỉ đủ đi lọt 1 chiếc xe 2 bánh. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)
Rất nhiều con đường hẻm chỉ đủ đi lọt 1 chiếc xe 2 bánh. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)

Nằm rất gần với nơi này, phía bên kia đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, cũng có hàng loạt ngôi nhà tương tự. Gia đình ông Huỳnh Quang Trung có 4 người trưởng thành sống trong diện tích vỏn vẹn 5 mét vuông. Ngôi nhà được cất lên trên một con hẻm, nép vào hông nhà người khác. Ban ngày, các thành viên trong gia đình luôn tìm cách đi ra khỏi nhà cho bớt chật, chỉ có mỗi ông Trung ở nhà trông coi và làm việc vặt.

“Đồ dùng như ti vi, tủ lạnh, thau chậu, rá rổ… thì mình luôn chọn sắm cái loại nhỏ nhất. Ban ngày tui bỏ giường ra đặt bàn làm việc. Ban đêm thì ưu tiên chỗ ngủ và cất chiếc xe gắn máy. Hai đứa con trai đã đến tuổi lập gia đình, nhưng tui không biết làm sao. Thêm người là không thể ở đủ,” ông Trung nói.

Từ những quận trung tâm cho đến các vùng lân cận, rất nhiều con hẻm bị lấn chiếm đến mức chỉ còn lại bề ngang tối thiểu cho nhu cầu… đi lọt. Có những con đường xe hơi có thể chạy qua, nhưng đã bị ai đó xây nhà chặn gần hết lối. Mọi người vẫn tặc lưỡi vì đã quen thuộc với những kiểu cản trở giao thông như vậy.

Một “căn nhà” làm trên khoảng không của con hẻm. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)
Một “căn nhà” làm trên khoảng không của con hẻm. (Hình: Bình Lâm/Người Việt)

Không chỉ chiếm mặt hẻm, có những nơi người ta còn chiếm nốt khoảng không. Dân làm nhà kiểu bắc cầu trên cao, và đi qua những con hẻm như vậy sẽ có cảm giác như lọt vào đường hầm!

Nhiều căn “nhà siêu nhỏ” được làm nên bởi những người Sài Gòn sau khi bị bắt ép đi “kinh tế mới” sau đó bỏ về lại thành phố những năm 80-90 của thế kỷ trước. Cũng có một thời gian, loại nhà lấn chiếm hình thành hàng loạt do chính quyền gần như cho phép hợp thức hóa để tồn tại sau khi đóng tiền phạt.

Dân số Sài Gòn nay đã xấp xỉ 10 triệu người cộng làn sóng di cư ồ ạt và thường xuyên từ khắp các tỉnh đổ về khiến thành phố này đã đông lại càng đông thêm. Và trong hoàn cảnh đó, có một chỗ để trú ngụ hay đơn giản là ngả tấm lưng sau một ngày mưu sinh mệt nhoài cũng là niềm hạnh phúc lớn của người nghèo thành thị.

MỚI CẬP NHẬT