Thursday, April 25, 2024

Sài Gòn mùa nóng và giải khát dân dã: Đười ươi, hột é, mủ trôm

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khi Sài Gòn vô mùa nóng, ai cũng biết thành phố dưới áp lực dân số hơn 10 triệu dân,  phải chịu đựng mùa nóng ghê gớm ra sao. Vậy nên, bên cạnh nhu cầu tìm nguồn nước sạch, chạy tiền mua quạt máy, máy lạnh, tủ lạnh… nhiều cư dân Sài Gòn gốc gác từ các tỉnh miền Tây, miền Đông còn muốn chạy tìm thứ thức uống giải khát có gốc thiên nhiên, được người dân dã lâu đời tin dùng.

Tuy nhiên các loại thức uống tốt cho sức khỏe đó đang bị giết dần giết mòn bởi các thương hiệu nước giải khát công nghiệp nhập khẩu và sản xuất nội địa.

Trong một dịp đến Tây Ninh, ghé khu chợ lâu đời, chợ Long Hoa. Ngôi chợ truyền thống nổi tiếng này đang sắp biến thành một trung tâm thương mại. Trong những quầy hàng chuyên bán các món ăn chay (người miền Nam còn gọi là ăn lạt), và giữa rất nhiều món ăn chay từng vinh danh nghệ thuật nấu đồ ăn chay xứ Tây Ninh, vẫn còn đó các món giải khát dân dã chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên thuần khiết, đã đồng hành cùng nhu cầu giải khát của người dân xứ nhiệt đới, đó là các món: hột đười ươi, hột é, mủ trôm, mủ gòn, sương sáo, sương sâm.

Ai có tuổi thơ ở miền Nam đều biết đến hột đười ươi, một loại hột ngày trước mọc hoang thành các vạt rừng ở các tỉnh miền Đông giáp biên giới.

Sương sâm, hột lựu, đười ươi và các thứ nước giải khát thiên nhiên khác. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Học trò miền Nam vô mùa nắng thường để dành tiền quà mua vài hột đười ươi, gói hột é ở các tiệm chạp phô của mấy ông tàu về ngâm rồi bỏ vô lon sữa Guigoz hoặc chai lọ đem theo lúc đi học để giải khát. Phía học trò là vậy, còn phía người lớn thì hầu như ở mọi khu chợ từ thành thị đến nông thôn đều có hàng chuyên bán đười ươi, hột é và các món giải khát dân dã khác.

Nói qua về hột đười ươi, thật tình mà nói hột đười ươi ngày nay không bằng ngày xưa, nghe đâu không chỉ do rừng bị phá mà người khai thác hột đười ươi họ không hái từng hột chín nữa mà vì chạy kiểm lâm, họ cứ đốn trụi cành nhánh hột non, hột già gì cũng gom hết ráo. Còn về hột é thì dạo gần đây, khi các “chợ” trên web, trên mạng xã hội đua nhau quảng cáo về công dụng thần kỳ của hột Chia, nhập khẩu từ vùng Nam Mỹ, có người thiệt thà nói: “Thứ hột đó sao bằng hột é của xứ mình. Họ đồn rần rần như thuốc tiên, chẳng qua là xứ người ta có phân tích theo khoa học lợi ích công dụng, còn xứ mình cứ thấy ngon miệng, mát, khỏe trong người là uống đời này qua đời khác.”

Thật ra “ông thầy” có tên Google, dẫn nguồn y học cổ truyền kê ra công dụng của hột đười ươi như: uống vô giúp thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải độc, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, chảy máu cam. Thậm chí còn cho rằng có thể trị chứng ung nhọt, gai cột sống. Riêng hột é thì dẫn nguồn từ báo nước ngoài cho rằng ngoài lợi ích thanh nhiệt trứ danh, hạt é còn có khả năng trị chứng hay thèm ăn béo phì, giúp hỗ trợ tiêu hóa làm sạch đường ruột, kiểm soát đường huyết.

Đã nói ngày nay triệu triệu người Việt Nam đều có chung một ông thầy Google, nhưng thiệt tình mà nói ông thầy này rất dè xẻn thông tin về hai món giải khát có gốc tự nhiên rất dân dã là món mủ trôm và mủ gòn.

Một ly sương sâm với đường thốt nốt và nước dừa. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Theo chị Tám bán món này ở chợ Long Hoa thì mủ trôm, mủ gòn thiệt ngày càng hiếm vì người ta, “cứ thấy chỗ nào có cây là có vàng, nên họ đốn vô tội vạ.” Điều chị nói cũng phải, vì hai loại cây này thường mọc ở gò hoang, bãi trống, mà ở xứ Việt Nam hiện nay đất trống quí như vàng, đó đâu thể là chỗ cho mấy loại cây, mà con nít và người nhà quê trước đây lấy mủ về, làm thức uống giải khát cho người bình dân.

Theo một tài liệu đăng trên mạng thì mủ trôm hay nhựa trôm là chất tiết được thu hoạch từ vỏ thân cây trôm. Mủ trôm không tan trong nước mà hút nước, trương nở và tạo thành một dung dịch có độ nhớt cao thường dùng với đường phèn, uống giúp nhuận tràng, điều trị chứng táo bón, làm cơ thể sảng khoái, ngủ ngon, giảm stress…Và họ khuyến cáo thêm là không nên dùng để giảm cân hay các bà có mang bầu cũng cấm sử dụng.

Ở chợ Long Hoa, Tây Ninh, lúc nhìn thấy các loại thức uống thiên nhiên rất phổ biến của người miền Nam. Một trí thức trẻ, chuyên viên cao cấp của một công ty nhu liệu Mỹ có chi nhánh văn phòng ở Việt Nam, nói nửa đùa nửa thiệt: “Phải chi, cái ông Phan Sanh Châu lúc tranh cử giám đốc UNESCO đem chai nước đười ươi, hột é hay mủ trôm bày ra, đừng bày thứ nước đóng chai của cái hiệu không ai ưa Tân Hiệp Phát thì có khi ông ta đã đắc cử rồi.”

Trước hiện trạng sức khỏe người Việt Nam đang bị đầu độc bằng các nguồn thực phẩm bẩn, nhất là các thứ xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều người trong nước cùng nhau hô hào sử dụng các nhãn hàng của các công ty Nhật, Hàn, Thái,… nhưng liệu ai dám chắc các thứ hàng hiệu đó là bảo đảm an toàn không? Những người dân mua bán ở chợ Long Hoa, nói: “Có sạp bán đồ ăn, đồ uống ở đây truyền qua tay người trong nhà hai ba đời. Sống sờ sờ ở đây đâu ai bất nhơn mà làm ăn bậy bạ cho được.”

Văn hóa sử dụng các món thức uống có nguồn gốc thiên nhiên vốn tồn tại trong khẩu vị người Việt qua nhiều thế kỷ. Ngày nay mặc cho đà “xâm lăng” không gì chống lại được của thực phẩm công nghiệp, hàng nước ngoài thì ở từng ngôi chợ tỉnh, huyện xa Sài Gòn vẫn còn đó những người Việt bình dân tìm đến thứ nước giải khát dân dã. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT