Monday, March 18, 2024

Sài Gòn rộn rịp laghim vỉa hè

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Légume là tên gọi thực vật bao gồm cây (plant), quả (fruit), hạt (seed) đậu trong họ đậu. Nhưng bà con miền Nam quen gọi là lêghim, hay laghim, gồm tổng hợp hết rau củ quả.

Hôm 18 Tháng Mười, 2018, báo Tuổi Trẻ kể, với một chiếc xe gắn máy nhỏ nhưng mỗi ngày chị Ngô Thị Hạnh (quận Bình Thạnh) bán ra tại đây hơn 40 kg trái cây, từ bình dân giá rẻ như thanh long, ổi, thơm… cho đến “cao cấp” như hồng, nho…

Vừa bán, chị vừa bảo: “Sài Gòn mùa nào cũng có trái cây rẻ, mùa này thanh long rớt giá thê thảm, ổi có nhiều lúc cũng rẻ, còn thơm thì rẻ triền miên nên người bán rong dễ lấy hàng và dễ bán.”

Không nói chuyện lấn chiếm lòng, lề đường. “Mùa nào thức nấy,” nhưng có một điều vui buồn lẫn lộn là khi bà con nông dân lao đao vì rớt giá lại là lúc bà con buôn gánh bán bưng có thêm thu nhập, rồi bà con lao động cũng “dễ sống” hơn…

Ngay trước ngã 3 chợ Chiều (đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh), dãy dài hàng chục chiếc xe máy đựng các giỏ cam, quýt, rau củ quả… nổi bật với các bảng giá cắm sẵn với giá khá rẻ là hình ảnh quen thuộc với nhiều người “đi chợ” buổi chiều qua đây.

Anh Quân, một chủ hàng ở đây, cho biết: “Cỡ 3-4 giờ chiều là các xe tự ‘vào vị trí’ như thường lệ, giá bán cùng chủng loại phải ngang nhau như ‘thỏa thuận nội bộ.’ Giỏ sắt đựng hàng chục kg với hàng chục loại rau củ quả như dưa leo, cà tím, cà chua, rau dền, rau muống…”

Rồi anh nói thêm: Tất cả đều rẻ; nhiều loại rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 so với siêu thị như rau muống, đậu đũa, dưa leo.

“Mua tại nhà vườn hoặc mua sản phẩm dạt giá rẻ tại chợ đầu mối nên giá được anh bán ra rẻ hơn,” anh Quân chia sẻ.

Chiếc xe đẩy như một sạp trái cây thu nhỏ với hàng chục loại. (Hình: Tuổi Trẻ)

Còn chị Hạnh thì nói: “Người có tiền chọn hàng cao cấp, bà con lao động thu nhập thì chọn chúng tôi. Sài Gòn mười mấy triệu dân; thợ hồ, xe ôm, sinh viên… đông nên chúng tôi không sợ thiếu khách.”

Theo chị Hạnh, đợt này rau củ nhiều loại tăng giá nên khó bán hơn. Tuy nhiên, vài tháng trước khi chôm chôm, vải thiều, bơ… và gần nhất là thanh long vào vụ cùng một lúc giá rớt liên tục, mỗi ngày chị bán hàng trăm kg chỉ bằng chiếc xe đẩy. Trong đó, chỉ riêng thanh long và vải thiều thời điểm vào vụ rộ, chồng chị bán hơn 300 kg mỗi ngày. “Xe đẩy bên lề đường khách tiện mua và giá cũng rẻ hơn 20-40% so với siêu thị nên dễ bán,” chị Hạnh nói.

Theo báo Tuổi Trẻ, sau 5 giờ sáng, như thường lệ khi mối lái sỉ đã lấy xong, đội ngũ bán lẻ với những chiếc xe gắn máy, xe đẩy thô sơ bắt đầu xuất hiện hàng dài tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức) – địa điểm cung cấp hầu hết nông sản cho Sài Gòn. Phần lớn họ là những người xa quê buôn bán hàng rong khắp các con phố, hẻm tại Sài Gòn.

Dáng vóc gầy gò, chị Lê Thị Ngọc (quê Quảng Ngãi) trở nên nhỏ thó trước giỏ cam sành hàng chục kg chở phía sau đang vuốt đi thăn thoắt sau khi vừa ra khỏi cổng chợ đầu mối để kịp chuyến chợ. Theo chị, chồng bán rau, còn chị bán trái cây dạo thâm niên hơn năm năm nay. Mỗi di lại hàng chục cây số đường phố Sài Gòn. Tuy mệt, nhưng chưa lúc nào chị muốn nghỉ bởi vì công việc “dễ kiếm tiền.”

Rau củ quả, nhất là các loại rau xanh luôn có nhiều “thứ hạng” để người mua gom lại. Thậm chí, nhiều mặt hàng có thể đi xin nhưng được bán ra hàng trăm ký mỗi ngày. Chẳng hạn, bắp cải thay vì loại bắp cải to, thì người mua chọn loại nhỏ hơn và bán khu công nghiệp, sinh viên. “Mẫu mã kém hơn nhưng thật ra phẩm chất vẫn không khác mấy đâu; giá rẻ gần phân nửa nên làm gì mà thiếu khách,” chị cười.

Dù đã qua thời điểm rớt giá thảm, nhưng thanh long hiện vẫn được bán tràn ngập các xe đẩy với giá rẻ không tưởng. Trong hình, khách mua thanh long trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, ngày 15 Tháng Mười, 2018. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông Huỳnh Văn Mười (quận Tân Bình), có thâm niên mua hàng chợ đầu mối bán dạo bảy năm nay, cho biết ở chợ đầu mối này, người đàn ông khỏe mạnh kéo xe lớn hơn và phụ nữ thì đi xe gắn máy chở theo giỏ lăn lỏi khắp con phố. Lực lượng bán hàng rong cái chợ này hàng trăm người bán buôn quanh năm nhờ ngày nào cũng có hàng rẻ, hàng dạt.

Tuy nhiên, thay vì mua hàng tại chợ như bình thường, đợt rồi khi thanh long rớt giá thuê thảm, ông Mười đã “chơi mạnh” bằng cách thuê xe xuống tận vườn ở Bình Thuận mua với giá rẻ, thậm chí đi xin hơn 10 tấn thanh long rồi chở thẳng lên Sài Gòn bán lại.

“Bỏ sỉ, bán lẻ, trúng ngay ngày cúng nữa là bán không kịp thở. Hơn 10 tấn tôi bán sạch trong ba ngày,” ông Mười nói. Theo ông Mười, ông luôn “canh me” những đợt hàng nông sản rớt giá là xuống tận vườn gom mua chở về và thường dễ bán do giá rẻ, người mua có tâm lí thương “giải cứu” nông dân. Bởi vậy, từ chuối, thanh long, ổi, rau… tiếp nối nên mỗi năm ông “đánh” cả chục chuyến xe đi gom hàng.

Theo ông Nguyễn Nhu, phó giám đốc Chợ Đầu Mối Nông Sản Thực Phẩm Thủ Đức, thường đầu buổi chợ giá các loại nông sản bán ra ở mức cao nhất, càng về trễ giá càng giảm, có thể giá giảm bằng phân nửa hoặc 1/3, thậm chí chủ vựa có thể cho không do tồn nhiều hoặc hàng phẩm chất kém còn lại. Hiện chợ có hàng trăm mối là những người buôn gánh, bán bưng hoặc xe đẩy thường chuộng mua các mặt hàng này về sơ chế và bán ở các điểm dân cư thu nhập thấp hơn. Hiện lượng rau củ quả về chợ vẫn ổn định với lượng 3,500 đến 4,000 tấn mỗi ngày.

Riêng đợt rồi thanh long về chợ với lượng khá nhiều và giá bán rớt nặng được lượng người bán mua đi bán lại dọc các vỉa hè “chia nhau” nên đã giúp tiêu thụ lượng rất lớn lượng hàng ở chợ. Thậm chí, hơn 60 tấn rác thải là phụ phẩm nông sản được nhiều lái buôn mang về sử dụng làm thức ăn gia cầm, gia súc. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT