Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn, Tết đến gần lắm rồi!

Duy Thức/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Dường như thời tiết lạnh đến nhiều hơn lúc trước, mùa hoa kiểng ở Sài Gòn rộ hơn mọi năm, các xe cây cảnh chở bán rong khắp nơi cũng bắt đầu phô màu hoa sặc sỡ thay vì các loại cây rậm lá trong năm. Các thứ hàng hóa lạ hơn ngày thường. Nhìn thấy xe tỏi Phan Rang, gối, rèm cửa… và nhất là xe cây cảnh chất đầy hoa khoe sắc cho thấy Tết đến gần lắm rồi.

Xe cây cảnh bán rảo quanh năm, chỉ nghỉ vài ngày cho qua các cơn mưa dầm gió bão ở thành phố. Phong trào bây giờ chuộng chơi cây cảnh cho thêm màu xanh mát mắt trong những ngôi nhà chật chội bí bức của thành phố. Dù sao không phải ai cũng có thời giờ đi đến nhà vườn nên sẵn cây cảnh đến tận trước cổng nhà thật tiện lợi để chọn vài chậu.

Nhìn lại thì các chị hàng hoa cũng phần đông là người bán hoa năm cũ. Tôi hỏi một xe cây cảnh vừa ghé lại:

-Năm nay bán hoa sớm vậy?

Cô bán hoa trả lời:

-Có nhiều người đi bán cả năm chứ tôi đã nghỉ cách đây mấy tháng ở nhà lo làm ruộng vườn xong mới trở vào Nam. Năm nay tôi chỉ bán hoa vào mùa Xuân thôi.

Đúng là một vụ buôn bán dịp Tết bằng kiếm ăn mấy tháng. Mọi người đổ xô dốc túi, tiền dành dụm làm lụng cả năm đổ ra mua sắm hối hả Tháng Chạp này. Quần áo, thực phẩm cho chí vật dụng trong nhà, dường như tranh giành vội vã kẻo không kịp với người ta rồi đến ra Giêng, Hai, người mua kẻ bán tha hồ ngồi không mà chơi.

Nhiều người Bắc nhập cư gốc gác từ Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa, Phú Thọ rất xa xôi. Họ đã vào Nam rất lâu lập nghiệp nhưng căn cơ gia đình đều ở lại ngoài Bắc. Người này làm ăn được, về quê kéo theo người thân vào ở trọ gần nhau, hướng dẫn buôn bán giống nhau, nương dựa nhau sinh sống nơi đất lạ xứ người. Cho nên nhìn món hàng rong có thể đoán được họ từ vùng nào đến. Người miền Tây bán trái cây…, người Bắc bán xôi, bắp luộc… người Trung bán tạp hóa…

Cây cảnh dạo phần lớn là người Bắc bán. Cứ đến Tháng Chạp, hoa lá cỏ cây trồng trong các chậu đủ màu sắc vàng tím xanh đỏ treo lủng lẳng theo xe máy. Thế là cả một mùa Xuân đi dạo khắp hang cùng ngõ hẻm phố phường.

Chị bán hoa dựng chiếc xe gắn máy nặng nề vì tấm ván khung khá rộng đóng ở yên sau chất đầy chậu to nhỏ. Phần trên xe là hoa móng tay, mười giờ hay bông giấy đủ màu vốn từ xưa rất được ưa chuộng ở miền Nam. Treo chung quanh xe là dạ yến thảo, dừa cạn… Nhiều loại hoa mới được trồng sau này được đặt tên rất kêu: chuông vàng, phước lộc thọ, cây thần tài, trường sanh… nhằm hấp dẫn người mua. Đặc biệt là cây thiên ngân lượng vừa xuất hiện và bán rất chạy do hoa mọc có chùm sắc đỏ, trái đeo kín sum xuê như trái trứng cá. Cây này vào mùa Tết năm ngoái giá chừng tám mươi hay một trăm ngàn thì năm nay thách đến hai trăm rưỡi mới bán.

Chị ta giới thiệu một loại cây đặc biệt theo chân người Bắc vào Nam:

-Đây là cây vối nấu nước uống.

Tôi lắc đầu:

-Tôi uống nước trà, uống nước vối làm gì chứ.

Hoa Tết bán dạo. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Thật sự tôi rất có cảm tình với cây vối vì nó khiến tôi nhớ tới Hồ Thành Phúc, Bùi Ngọc Tuấn, Phạm Quốc Bảo, Hồ Đắc Tâm và Nguyễn Vạn Hồng.

Thời họ còn là sinh viên Văn Khoa tôi tới chơi với các bạn đánh xì phé, đánh bóng chuyền hằng ngày sau cổng trường Văn Khoa. Vợ Nguyễn Khắc Nhân ngày trước là bạn của Tú Kếu, là sinh viên ở đó thường nấu nước vối cho anh em sinh viên uống. Cô rất hiền lành dễ thương sau qua Mỹ và mất ở Mỹ.

Hoa bươm bướm màu tím đậm, mai hoa đăng vàng chói… để trưng trước cửa; bạc hà, hương thảo… vừa thơm, vừa ngắt lá vào bếp làm gia vị nấu ăn món Tây; ngũ gia bì, tùng thơm… để trừ muỗi cũng được chuộng. Nhất là mùa sốt xuất huyết, dân quê thường trồng ngoài sân, quanh nhà ngũ gia bì, tỏi, xả… là các cây có mùi hương mạnh vừa chế biến thức ăn và nhất là kỵ rắn và đuổi muỗi rất hiệu quả.

Tôi không ưa các sắc đỏ ối, đỏ bầm như cây đỗ quyên mấy năm rồi, nhưng năm nay chị bán hàng có đem theo bốn cây đỏ rực rỡ giữa đám lá xanh tươi.

Trước kia cây Tết chỉ quanh quẩn vạn thọ, cúc… là những cây dai sức chịu nóng hay mãn đình hồng, hướng dương… quen thuộc nhưng nay thì có nhiều giống mới xuất hiện: cây pensée, tử la lan, thu hải đường… đã được thuần hóa phù hợp khí hậu Việt Nam.

Tôi hỏi giá một chậu hoa. Chị ta ra giá hai trăm ngàn, đắt gấp đôi năm ngoái. Tôi biết nói thách lên nhiều nên trả mấy tiếng chín chục, một trăm, trăm mốt như kiểu trả mở hàng mau mắn lấy may.

Cuối cùng tôi được chị bán cho một chậu đỗ quyên đẹp nhất giá một trăm ba. Cây thiên ngân lượng đỏ rực kêu chắc giá hai trăm ngàn mới đủ vốn. Người Việt hầu hết vẫn giữ thói quen nói thách. Không phải ai cũng mua hàng thường xuyên để có thể biết rành rẽ giá cả lên xuống thế nào. Vì thế chỉ cần vài khách trả giá hớ là người bán đã lời to. Nhất là khi người bán hàng rong bán cho khách vãng lai lại càng dễ nói thách, khó mà gặp lại lần sau nên không cần giữ mối quen. Thách được đồng nào hay đồng nấy.

Theo thông lệ, gần Tết, mọi thứ hàng hóa đều tăng giá, thậm chí tăng từng ngày. Người buôn bán chỉ trông cậy vào những ngày buôn bán cuối năm. Một mùa Tết sống được mấy tháng vì sau khi đã dốc túi cho cái Tết, ra suốt giêng, hai, đâu còn ai sắm sửa gì nữa. Vả lại người mua cũng có lãnh thưởng tết, lương tháng 13 rủng rỉnh. Vì thế mọi người chấp nhận, chẳng mấy ai kêu ca hàng Tết đắt đó khi đó đã là sự đương nhiên.

Chị bán hoa tíu tít chào mời. Vài người đi ngang áp lại xem, họ tìm mua cây phát tài để lấy lộc đầu năm và các loại hoa để treo lủng lẳng ở trước hiên nhà thay vì đặt dưới đất có khi bị trộm khiêng đi lúc nào không biết. Chị ta bán được vài giỏ hoa nho nhỏ vì các bà đi chợ ít khi nào bỏ tiền trên một trăm ngàn để mua hoa.

Hoa tươi đắt quá và không chơi lâu được nên nhiều người tìm mua hoa giả làm bằng giấy, vải hay nhựa màu sắc vô cùng rực rỡ. Hoa giả được chất trong sọt đặt sau xe đạp hay cầm tay  cả bó to bán trong chợ và các khu bình dân. Người lao động nghèo mua một lần chưng cả năm, giặt giũ sạch sẽ lại chơi tiếp hơn là hoa thật mắc tiền bày vài ngày tới mồng bốn tết, hoa còn tươi, mọi người đã vất ngoài đường thành núi rác.

Số khác giữ lại thay đất bón phân trồng tiếp. Tuy nhiên cây Tết thường được bón thúc cấp kỳ ra hoa kết quả chỉ tốt tươi trong thời gian ngắn. Sau đó, nếu không phải người chuyên môn biết cách thì rất khó dưỡng cây để tiếp tục chơi lâu dài.

Các loại trái kiểng như ớt kiểng, khế, ổi, tắc, mận, cóc… lúc lỉu sai trái trong chậu nhỏ nhìn thật vui mắt, nhưng ai nấy được khuyến cáo không nên ăn vì bị phun hóa chất quá nhiều, chỉ để ngắm thôi.

Hoa kiểng làm chúng ta nhớ lại bao kỉ niệm xưa, làm đẹp cho tâm hồn. Khi có ít tiền tôi không bao giờ tiếc đối với hoa. Chị gái bán hoa mới vào Nam từ vài năm nay, lúc nào bán ế lại ghé mời tôi mua dùm.

Có lần tôi mua của chị một cây đại hồng trà rất rẻ. Hoa kiểng của chị tạp nhạp như nhặt ở đâu đi bán vậy. Có khi cả một gốc cây mai mới nhổ lên còn đưa rễ, chị đưa tôi bảo không lấy tiền vì được một chủ nhà nhờ nhổ bỏ lấy chậu trồng cây khác. Những cây đẹp, giá cao nằm ở nhà vườn đợi khách tuyển đến chọn lựa. Bán rong thường chỉ là các cây hoa bình thường, nho nhỏ phù hợp với nhu cầu số đông chứ không có nhiều hàng đặc biệt.

Hôm nay chị chở thêm một cây sung trái đeo đặc gốc, bên trên được cắt tỉa gọn gàng để dễ vận chuyển. Nội một cây sung đó cũng đủ nặng trĩu cả xe rồi. Nhiều người thích chơi cây theo tên của cây, họ đặt cây sung trong nhà cốt mong được sung túc nhà cửa cũng như cây phát tài mong lộc đến, cây trường thọ cầu sống lâu,…

Cây sung này nêu giá triệu rưỡi. Giá khá cao, nhà nghèo không vươn tới nhưng những ngày sát Tết bận rộn, không có thời giờ rảnh, ai muốn ra chợ hoa buộc phải nhảy vào một khu vực đông kịt người cùng xe và khói bụi, tiếng ồn. Do đó chị bán hoa sẽ chạy xe tới khu cư xá nhà lầu. Mối quen của chị là bà vợ một giám đốc đi du lịch HongKong mới về hôm qua. Dù sao bây giờ ở thành phố, hoa kiểng được đem bán không còn là thứ đồ chơi của người giàu nữa. Nếu ít tiền, người ta vẫn có thể khuân về chậu vạn thọ, mồng gà… Trâm ổi, sim, móng tay… vốn là hoa dại mọc bụi ven đường cũng được chiết vào chậu cung cấp cho người chơi Tết.

Các vựa hoa Sài Gòn ở Củ Chi, Thủ Đức hay vựa hoa Cái Mơn ở Bến Tre, Sa Đéc ở Đồng Tháp dưới miền Tây… đang vào mùa. Xe tải rộn rịp chở hoa đi các nơi. Sau 23 ông Táo, các chợ hoa trăm hồng nghìn tía đã nổi lên khắp nơi ở các công viên, lề đường, chợ… sẵn sàng đón Tết Mậu Tuất. (Duy Thức)

Mời độc giả xem phóng sự “Những chiếc bánh tét gói trọn yêu thương”

MỚI CẬP NHẬT