Tuesday, April 23, 2024

Sài Gòn, tiệm tạp hóa ‘truyền thống’ đang dần dẹp tiệm

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giữa các khu phố của người Sài Gòn hiện nay, ít ai để ý đến chuyện đang diễn ra cuộc chiến giành đất sống trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng giữa các tiệm tạp hóa cũ và các cửa hàng có danh xưng mới toanh gọi là “cửa hàng tiện lợi.”

Theo thống kê thì có hàng loạt các cửa hàng tiện lợi của ngoại quốc đầu tư như 7-Eleven, FamilyMart, Ministop, AEON, Circle K, Shop & Go, GS25,… Mỗi thương hiệu ngoại quốc này đều có từ vài chục đến hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng; đó là chưa tính đến các dạng cửa hàng tiện lợi nội địa như Vingroup, VinMart. Co. op Food,…

Chỉ cần nhìn các thương hiệu trên tràn ngập khắp các phố phường thì không có gì quá đáng khi cho rằng, thời đại của các tiệm tạp hóa với hình ảnh các bà chủ, ông chủ tiệm tạp hóa người Việt gốc Hoa sẽ sắp lụi tàn.

Ai người Sài Gòn cố cựu đều biết từ hàng trăm năm trước, các tiệm tạp hóa, tiệm bán đồ ngũ kim… luôn là một phần không thể thiếu của đời sống người miền Nam. Thật thân thương gần gũi biết bao khi mà những đứa trẻ ngày xưa, được cha mẹ sai biều đi ra tiệm tạp hóa đầu đường cuối hẻm mua từ cây kim, cuộn chỉ đến giấy tiền vàng bạc về cúng.

Với phương cách mua bán vui vẻ không nói thách, chiều chuộng khách hàng, mua bán thiệt tình… các tiệm tạp hóa ngày xưa luôn tạo nên nét văn hóa-thương mại đặt trưng của người Sài Gòn nói riêng và cả miền Nam nói chung.

Ông Tám, người làm nghề đổ rác mướn nói: “Nhà tui bị nghiệp chướng nên nghèo hoài, làm bữa nào ăn hết bữa đó, không có cái tiệm tạp hóa của bà sẩm đầu hẻm bán thiếu chịu từ ký gạo đến chai nước mắm thì có nước đói treo mỏ.”

Một tiệm tạp hóa trong phố người Hoa chỉ sống được nhờ thói quen mua sắm của người lớn tuổi. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Thật ra không ai tào lao mà đi so sánh hơn thua giữa cửa hàng tiện lợi ngày nay và các tiệm tạp hóa xưa kia. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khác với các cửa hàng tiện lợi đang có, các tiệm tạp hóa ngày xưa, thông qua chuyện thương mại để nối kết tinh thần và chia sẻ vật chất của cộng đồng dân cư tốt hơn. Người Sài Gòn hay người miền Nam nói chung, không ai cho rằng chuyện tiện ích hay tiện lợi gì đó, cho dù ở mức nào đi nữa cũng không bì được tính chia sẻ tình người trong nhà ngoài phố của các cửa hàng tạp hóa.

Có người đặt vấn đề là thời đại này các tiệm tạp hóa cạnh tranh không nổi thì chết chứ tiếc làm gì. Tất nhiên khi các cửa hàng tiện lợi từ nước ngoài, với vẻ ngoài trang trí hiện đại mà còn bán cả đến từng trứng hột vịt lộn luộc sẵn để ăn tại chỗ thì làm gì tiệm tạp hóa còn đất sống. Nhưng có người vẫn giữ ký ức đẹp về tuổi thơ của mình lại cho rằng. Ậy, một cục kẹo, viên xí muội được chủ tiệm cho thêm lúc mua đồ vẫn thích và đáng nhớ hơn là được khuyến mãi ba thứ hàng linh tinh do ế hoặc chỉ nhằm quảng cáo.

Có một câu chuyện khác về bài học mua bán đầu đời của một doanh nhân Chợ Lớn như sau.

Ông Há, kể: “Ngộ phụ ông già ngộ bán hàng, có bà khách hỏi mua mấy bộ nút áo, ngộ nói là tiệm không có bán hàng này. Khi bà khách đi ra, ông già ngộ ký đầu ngộ đau điếng, ông già nói. Người ta vô tiệm mình mua đồ là đem cuộc sống đến cho mình, mày chê hả, lần sau họ hỏi mua thứ mình chưa có hàng thì hẹn họ bữa khác mình đi mua về bán, lo cho khách hàng đầy đủ cũng là lo cho mình.”

Có một thực tế là người Việt, nhất là lớp người Bắc 1975 đang chiếm dần các thị phần thương mại ở Sài Gòn, nhưng cho dù họ kinh doanh phất lên nhưng hầu như không học được hay tạo được các giá trị văn hóa-văn mình thương mại, đơn cử là số người bị đốp chát, mắng chửi, thậm chí hành hung có nguyên nhân từ thói vô văn hóa trong thương mại ở Việt Nam đâu phải là ít.

Có cách nào để các tiệm tạp hóa đã làm nên hình ảnh biểu trưng của thương mại xưa tồn tại không? Hẳn nhiên là không vì nhìn toàn cảnh, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên. Mặc dù rất hiếm hệ thống báo cáo có lãi, nhưng cuộc chiến giết chết các tiệm tạp hóa, ngũ kim là thấy trước mắt. (Trần Tiến Dũng)

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt được bầu vào Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ

MỚI CẬP NHẬT