Friday, April 19, 2024

Sụt lún trung tâm thành phố Đà Lạt, di tản khẩn cấp 45 gia đình

LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Sau khi thị sát hiện trường, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị giới hữu trách tổ chức di tản khẩn cấp 45 gia đình đang cư trú ở trung tâm thành phố Đà Lạt.

Sáng 26 Tháng Tư, một số gia đình có nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn thuộc phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, phát giác cả tường lẫn nền nhà của họ có nhiều vết nứt. Những vết nứt này càng lúc càng lớn và số lượng nhà rơi vào tình trạng tương tự càng lúc càng nhiều.

Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, tới trưa cùng ngày, ngoài những căn nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi, dấu hiệu sụt lún khiến nền, tường bị nứt còn xuất hiện tại một số căn nhà trên đường Trương Công Định. Trong đó có căn, nền nhà sụt xuống tới 10 cm so với trước.

Thêm vào đó, dân chúng phát giác mặt đường Nguyễn Văn Trỗi bị lún, nứt. Đặc biệt là khu vực tiếp giáp giữa lòng đường và vỉa hè.

Theo báo Dân Trí, vết nứt làm cửa nhà, hệ thống nước ngầm bị xô lệch, đứt gãy.

Bà Hoàng Thị Kim Thu, ở đường Nguyễn Văn Trỗi, cho biết khi gia đình thức dậy thì thấy hàng loạt vết nứt trên tường, nhiều nhất là ở gian sau.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Duyệt, ở gần nhà bà Thu, kể lại: “Sau một đêm thì cửa phía hành lang tầng hai nhà tôi không mở được. Tôi tìm cách mở cửa tầng dưới thì phát hiện tường nhà nứt rạn dấu chân chim. Ngoài sân đoạn tiếp giáp với mép đường có một vết nứt chạy dài.”

Tại Đà Lạt, buổi chiều thường xuyên có mưa lớn nên các vết nứt khiến các hộ dân lo lắng. Một số hộ chuẩn bị di dời do sợ sập nhà.

Mép tường nhà người dân trong khu vực bị nứt. (Hình: Báo Dân Trí)
Mép tường nhà người dân trong khu vực bị nứt. (Hình: Báo Dân Trí)

Sau khi các viên chức hữu trách tiến hành khảo sát sơ bộ hiện trường, cuối buổi chiều cùng ngày, ông Võ Ngọc Trình, phó chủ tịch thành phố Đà Lạt, mời 45 gia đình có nhà bị nứt để nghe thông báo về quyết định di tản khẩn cấp vì “nguy cơ sạt lở rất cao.” Trong số này có bốn gia đình được đề nghị di tản ngay lập tức. Còn 41 gia đình kia được đề nghị tổ chức thu dọn tài sản sớm và không ở trong nhà vào ban đêm.

Tờ Thanh Niên cho biết, chính quyền thành phố Đà Lạt đã đặt cản không cho xe cộ lưu thông qua đường Nguyễn Văn Trỗi. Các khách sạn nằm trong phạm vi được xác định là khu vực nguy hiểm cũng đã nhận được yêu cầu tạm ngưng kinh doanh.

Ông Phạm S, phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, nói với tờ Tiền Phong rằng tỉnh này sẽ liên lạc với Khoa Địa Chất Đại Học Bách Khoa Sài Gòn và Viện Vật Lý Địa Cầu đề nghị kiểm tra, xác định nguyên nhân sụt lún để tìm cách khắc phục.

Sụt lún đã xảy ra tại nhiều nơi ở Việt Nam trong hai thập niên vừa qua và càng ngày càng trầm trọng. Bề mặt hai đô thị lớn nhất tại Việt Nam là Sài Gòn, Hà Nội cũng đang lún nhanh và nhiều. Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, mức độ lún đối với bề mặt của Sài Gòn trung bình từ 5 mm đến 10 mm/năm.

Kết quả một cuộc khảo sát về mức độ lún đối với bề mặt của Hà Nội cách nay mười năm, cho biết, tốc độ lún của nhiều khu vực tại Hà Nội lên tới 41 mm/năm. Vào thời điểm ấy, ngay cả những khu vực có địa tầng tốt như Mai Dịch, Đông Anh, Ngọc Hà cũng bị lún từ 1.4 mm/năm đến 2.6 mm/năm.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bề mặt nhiều nơi tại Việt Nam bị sụt lún trầm trọng là khai thác nước ngầm quá mức, diện tích mặt đất bị bê tông hóa quá lớn, mực nước trong tầng nước ngầm tụt xuống mà không được bù đắp, lòng đất vốn đã rỗng lại liên tục bị tác động bởi trọng lượng của các công trình xây dựng, hoạt động giao thông… khiến bề mặt bị biến dạng.

Các chuyên gia cảnh báo từ lâu rằng sau sụt lún sẽ xuất hiện tình trạng đổ vỡ của các công trình trên mặt đất. Chưa rõ vụ sụt lúc ở trung tâm thành phố Đà Lạt có phải do chuỗi tác động vừa kể hay không. (G.Đ, Tr.N)

20,000 hộ dân ven sông An Giang sẽ mất nhà vì sạt lở

MỚI CẬP NHẬT