Thursday, March 28, 2024

Tài xế dùng tiền lẻ trả phí giao thông bị dọa loại khỏi hợp tác xã

ĐỒNG NAI (NV) – Trong ba ngày, 5 lần các tài xế và người dân đã tức giận dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT Biên Hòa, khiến giao thông rối loạn cả sáng và chiều, kẹt xe kéo dài.

BOT là viết tắt của Build-Operate-Transfer, có nghĩa là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao.

Sáng ngày 4 Tháng Mười, tình trạng kẹt xe đã kéo dài trên quốc lộ 1 tại trạm BOT Biên Hòa, khi giới tài xế lại tiếp tục sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm.

Theo tường thuật của báo Người Lao Động, ban đầu khoảng 4-5 xe hơi có tài xế trả tiền lẻ, tiền xu để mua vé. Lập tức, từng đoàn xe hơi, xe máy ùn ứ. Tình trạng rối loạn lại xảy ra, hàng trăm xe hơi các loại ùn ứ kéo dài trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc-Nam. Tuy vậy, đây đã là lần thứ 3 liên tiếp trạm BOT Biên Hòa quyết không xả trạm. Chỉ khi những chiếc xe có tài xế đưa tiền lẻ đi qua, trật tự mới dần được ổn định.

Các tài xế cho biết, có thể họ sẽ dùng tiền lẻ để qua trạm trong suốt những ngày sắp tới, cả khi đi và về. Đây là lần thứ 5 liên tiếp trong 3 ngày xảy ra tình trạng này, trước đó có 3 lần tài xế mua vé bằng tiền lẻ gây kẹt xe nghiêm trọng. Hiện, cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai cũng như Bộ Giao Thông “chưa có bất kỳ phương án nào cụ thể giải quyết.”

Tài xế lại đưa cả tiền xu để mua vé. (Hình: Báo Người Lao Động)

Liên quan đến tình trạng tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Biên Hòa, trưa cùng ngày, một số tài xế xe chuyên chở công nhân tại huyện Trảng Bom – khu vực xung quanh trạm – gọi điện cho phóng viên báo Người Lao Động phản ánh, họ bị dọa tước logo, không cho gia nhập hợp tác xã nếu tiếp tục dùng tiền lẻ.

“Chúng tôi bị Sở Giao Thông gây áp lực, đe dọa sẽ không cho gia nhập hợp tác xã, gắn logo  nếu vẫn tiếp tục mua vé bằng tiền lẻ để phản đối trạm BOT. Chúng tôi nghĩ mình đòi lại quyền lợi chính đáng không thể bị gây áp lực như vậy…,” ông Phan Thanh Hưng, một tài xế bị dọa nói.

Để kiểm chứng, phóng viên báo Người Lao Động đã gọi điện cho đại diện hợp tác xã, người được cho là đã gọi điện dọa các tài xế. Ông này cho rằng, mình không gây áp lực về việc sử dụng logo, mà chỉ “nhắc nhở anh em làm việc đúng pháp luật.”

Trong khi đó, ông Trịnh Tuấn Liêm, giám đốc Sở Giao Thông Đồng Nai khẳng định: “Không có chuyện sở chỉ đạo hợp tác xã tháo logo xe khi tài xế mua vé bằng tiền lẻ, người nào nói như vậy phải chịu trách nhiệm.”

Theo truyền thông Việt Nam, tuyến tránh thành phố Biên Hòa dài 12 cây số, cộng thêm đoạn nâng cấp quốc lộ 1 do công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Sau khi dự án được đưa vào sử dụng năm 2014, đơn vị này đặt trạm thu phí ngay trên quốc lộ 1 ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, cách tuyến tránh 10 cây số để tận thu và bị người dân phản đối. (Tr.N)

Chính quyền xả lủ ẩu, dân nuôi tôm Vũng Tàu trắng tay

MỚI CẬP NHẬT