Friday, March 29, 2024

Tám ngày Tết, hơn 5 ngàn trường hợp cấp cứu, 15 người chết vì đánh nhau

HÀ NỘI (NV) – Chỉ 8 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, đã có hơn 5,300 người phải vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có 15 người chết mà hệ quả phần lớn bắt nguồn từ bia rượu tại Việt Nam.

Một thành tích xã hội không mấy ai hãnh diện khi tờ Lao Động hôm Thứ Hai dẫn lại báo cáo từ các bệnh viện cả nước gửi Bộ Y Tế nói rằng: “Kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 kéo dài, từ sáng ngày 28 đến mùng 6 Tết đã có 5,303 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong đó 15 trường hợp tử vong.”

Theo nguồn tin trên, chỉ riêng từ sáng mùng 2 Tết (tức 6 Tháng Hai, 2019) đến sáng mùng 3 Tết (tức 7 Tháng Hai, 2019) “số ca cấp cứu do đánh nhau lên đến 734.” Khi kể chung cả kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, “số ca cấp cứu do tai nạn chiếm 1.7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3,095 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi.”

Tờ Lao Động dựa theo Bộ Y Tế nói, các ca thương vong do ẩu đả chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đa số người vào viện vì lý do đánh nhau là nam và một tỉ lệ đáng kể địa điểm xảy ra là ở nhà.

Đối chiếu lại với những gì đã xảy ra từ Tết Mậu Tuất năm ngoái, “số ca cấp cứu do đánh nhau không thấp. Năm 2018, kỳ nghỉ Tết kéo dài 6 ngày đã có hơn 4,180 trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau.”

Từ 4 năm nay, khi Bộ Y Tế Hà Nội thống kê số ca bệnh và nguyên nhân nhập viện trong dịp Tết, “tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do căn nguyên đánh nhau luôn cao. Giữ ‘kỷ lục’ là năm 2015, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6,868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong (trung bình 1 ngày nghỉ Tết có gần 1,000 người phải vào viện vì đánh nhau).”

Nguồn tin trên nói: “Theo đánh giá chung, rượu bia là nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột này. Tổng số trong 8 ngày Tết đã có 3,281 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 817 ca ngộ độc rượu, bia, 738 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 1 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).”

Hồi Tháng  Mười Một năm ngoái, Quốc Hội CSVN rục rịch bàn chuyện “chống tác hại” của bia, rượu trước khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc và tai nạn giao thông liên quan tới hơi men ở mức cao. Dự luật có tên “Phòng chống tác hại của rượu, bia” được đưa ra Quốc Hội thảo luận nhưng có được bật đèn xanh cho thông qua hay chưa, còn là vấn đề khác.

Thấy nêu ra trong phiên họp vừa kể, dựa vào những thống kê và thông tin được lập đi lập lại mấy năm gần đây: “Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 tuổi. Tại nạn giao thông liên quan tới rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 36.2% ở nam giới và 0.7% ở nữ giới.” Tờ Lao Động thuật lại.

Ước tính chi phí giải quyết hậu quả của tại nạn giao thông liên quan tới rượu, bia chiếm 1% GDP (khoảng 5,000 tỉ đồng theo GDP năm 2017). Trên mặt xã hội, thống kê nói: “Hơn 40% học sinh lớp 8 đến lớp 12 đã ‘biết mùi’ bia, rượu. Tỷ lệ uống rượu bia ở trẻ vị thành niên là 79.9% với nam và 36.5% với nữ. Năm 2013, có 43.8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi, 22.5% đã uống đến say ít nhất 1 lần.”

Tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở mức rất cao. Như thống kê của năm 2015, có 80.3% nam và 11.6% nữ giới trên 15 tuổi ở Việt Nam có uống rượu, bia. Mấy năm gần đây, thống kê của Liên Hiệp Quốc đều nói Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc về mức tiêu thụ bia hằng năm. Trung bình không kể già trẻ lớn bé, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia một năm.  (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT