Friday, April 19, 2024

Tan nát đường mới làm hàng chục tỷ ở Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ngãi

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Đường hàng chục tỷ đồng ở Nghệ An vừa được sửa đã sụt lún tan nát, còn đường bờ kè sông ở Hà Nội vừa làm đã nứt toác, trong khi đó đường bờ kè ở Quảng Ngãi chưa nghiệm thu đã tan hoang, dân lo biển “nuốt” nhà.

Theo báo Tuổi Trẻ, đoạn đường nối hai khu di tích qua xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, được đầu tư nâng cấp, mở rộng khoảng 68 tỷ đồng (hơn $2.99 triệu) bị sụt lún tan nát.

Sáng 6 Tháng Mười, con đường đi qua xóm 9, xã Hưng Châu bị hư hỏng nghiêm trọng. Đoạn đường dài gần 100 mét trải nhựa bị sụt lún, nứt gãy thành nhiều tầng, lớp.

Những vết nứt sâu hơn 1 mét, ăn sâu vào gần như toàn bộ chiều rộng con đường. Phần còn lại rộng 2-3 mét chỉ đủ chỗ cho xe đạp, xe gắn máy qua lại. Một số điểm có dấu hiệu đang sụt lún tiếp, phía nhà thầu đã cho đóng cọc tre để đường không bị trôi xuống kênh.

Sở Giao Thông Vận Tải Nghệ An đã yêu cầu đơn vị thi công khoan năm mũi tại vị trí xảy ra sụt lún để kiểm tra địa chất.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, mấy ngày qua, người dân ở thôn Hòa Khê, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, bực tức vì tuyến đường bêtông chạy dọc đê sông Lương vừa hoàn thành trong năm 2016 đã bị nứt toác, sạt lở nghiêm trọng.

Toàn bộ tuyến đường dài khoảng 750 mét, rộng 3.5 mét, được tráng bêtông dày khoảng 20 cm. Tuy nhiên, một đoạn đường trên tuyến này dài khoảng 90 mét đã hư hỏng nghiêm trọng, từng tấm bêtông trơ móng, nhiều đoạn đứt gãy, thậm chí sắp trôi tuột xuống bờ sông.

Đặc biệt, sau trận mưa lớn sáng 4 Tháng Mười, móng của tuyến đường bị khoét sâu, trống hoác.

Phần hư hỏng kéo dài khoảng 90 mét ở thôn Hòa Khê, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

“Chúng tôi đã liên hệ với huyện và đơn vị thi công để họ xử lý, xã cũng đã cắm biển cảnh báo người dân không cho đi qua khu vực nguy hiểm đó nữa. Còn nguyên nhân chính thức thì chúng tôi cũng chưa đánh giá được,” ông Đinh Văn Thủy, phó chủ tịch xã Bạch Hạ, cho biết.

Trong khi đó, khi đề cập tới vụ việc và trách nhiệm của huyện, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tịch huyện Phú Xuyên, từ chối trả lời với lý do “tôi đang họp.”

Báo Tuổi Trẻ cũng cho hay, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 15 tỷ đồng ($659,993) kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1 (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) nhưng chưa nghiệm thu đã tan hoang sau nhiều đợt sóng lớn.

Công trình kè chống sạt lở bờ biển này được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2014 với kinh phí 8 tỷ đồng (hơn $351,996).

Sau đó, kinh phí xây dựng kè được điều chỉnh, nâng giá lên 15 tỷ đồng, có chiều dài 300 mét bảo đảm an toàn cho các hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng, trong đó có 60 hộ dân đang sống chung với nạn thủy triều xâm thực.

Công trình bắt đầu thi công vào năm 2015. Chưa kịp nghiệm thu sử dụng đã tan hoang. Cụ thể, bờ kè bị hư hỏng nặng, tường chắn sóng bị xô ngã, mái kè và đường dọc thân kè bị sụt lún hoàn toàn, chân kè bị xô lệch, móng liên kết các cừ bị hư hỏng nặng.

Triều cường “rút ruột” tuyến đê kè thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Người dân cho biết, chỉ cần gió cấp sáu, cấp bảy là sóng đánh vào tận mép nhà. Ông Nguyễn Văn T., người dân địa phương, cho biết: “Mỗi lần sóng lớn là thêm một đoạn kè bị sạt. Cát dưới chân kè cũng bị sóng rút ruột hết, người dân không dám đi lại trên kè khi biển động.”

Nói với báo này ngày 6 Tháng Mười, ông Nguyễn Duy Trinh, chủ tịch xã Phổ Thạnh, cho biết tuyến đê chắn sóng làm ra với hy vọng sẽ không bị biển xâm thực, bảo vệ 1,000 hộ dân với khoảng 5,000 người, nhưng giờ chính nó đã bị sạt lở, sóng đánh hư hỏng.

Về hướng khắc phục tuyến đê kè, ông Võ Văn Kiên, giám đốc Ban Quản Lý Các Dự Án Đầu Tư và Xây Dựng huyện Đức Phổ, cho biết việc khắc phục, gia cố theo thiết kế cũ là không hiệu quả nên hiện phải chờ các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kè biển hỗ trợ.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tân, phó chủ tịch huyện Đức Phổ, cho rằng hiện chưa thể đánh giá hết phần lỗi này thuộc về đơn vị thi công hay thuộc về thiên tai, bởi vì năm vừa rồi sóng biển rất phức tạp, nhiều tuyến kè gần đó cũng bị hư hỏng.

“Hiện huyện đang xin nguồn kinh phí sửa chữa nhưng chưa có. Nếu mưa lũ đến, huyện sẽ đưa người dân sống gần tuyến bờ kè vào khu tái định cư sinh sống,” ông nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT