Saturday, April 20, 2024

Tân phó giáo sư đạo văn của nhiều cao học

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đến chiều 2 Tháng Ba, Tiến Sĩ Đặng Công Tráng, trưởng khoa Luật của trường Đại Học Công Nghiệp TP.HCM, đã xin rút khỏi danh sách “đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2017” sau khi bị phát giác đạo văn.

Trước đó, đề tài nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam” do ông Tráng thực hiện bị tố cáo sao chép luận văn cao học của nhiều người.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thiên Tuế, hiệu trưởng trường Đại Học Công Nghiệp TP.HCM: “Thầy Tráng đã thừa nhận có sai sót khi trích dẫn, sao chép nguyên văn những không ghi rõ nguồn ở nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau. Thầy Tráng cũng có đơn gửi nhà trường và Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước hủy bỏ đề tài nghiên cứu này.”

Điều khôi hài là theo lời ông Tuế, quy định xét phong phó giáo sư tối thiếu là 6 điểm nhưng ông Tráng “đạt 9 điểm, nên nếu hủy bỏ đề tài bị tố cáo thì vẫn đủ điểm xét công nhận học hàm nêu trên.”

Luật Sư Vũ Văn Tú, người có luận văn bị ông Tráng đạo văn, nói với báo Tuổi Trẻ: “Tỷ lệ ‘ăn cắp’ – tôi dùng từ này vì đề tài không dẫn nguồn tài liệu tham khảo là luận văn của tôi – là rất lớn. Không chỉ sao chép từng đoạn, từng trang, mà mục lục của đề tài nghiên cứu cũng tương tự như cấu trúc luận văn của tôi càng cho thấy công trình này không có giá trị khoa học mới vì vẫn theo hướng tiếp cận đã có. Đây lại là đề tài của các giảng viên đang công tác tại khoa luật – là những người am hiểu về pháp luật – thì càng không thể chấp nhận được.”

Tân phó giáo sư đạo văn này khi còn là trưởng phòng Tổ Chức Nhân Sự của trường, hồi năm 2011 đã ký công văn cấm sinh viên đi biểu tình chống Trung Quốc.

Công văn đề ngày 1 Tháng Sáu, 2011, viết: “Phòng Tổ Chức Nhân Sự nhận được thông báo của Cơ Quan An Ninh Công An Sài Gòn về việc tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc trong việc tranh chấp Biển Đông. Đoàn thanh niên phổ biến đến tất cả các cơ sở đoàn yêu cầu sinh viên không tham gia vào việc biểu tình ngày 5 Tháng Sáu, 2011. Phòng Tổ Chức Nhân Sự theo dõi thông tin từ Cơ Quan An Ninh. Sinh viên nào cố tình tham gia biểu tình, nếu có tên trong danh sách mà công an gửi về trường, sẽ bị kỷ luật ở mức cao nhất – đuổi học.”

Ngoài ra, nhân vụ này, một số blogger cũng nhắc lại chuyện ông Tráng thời điểm còn là giảng viên của trường Đại Học An Ninh đã từng bị tù treo một năm vì tham gia vào đường dây làm giấy báo kết quả tuyển sinh giả hồi năm 2005.

Nhà báo tự do Mạnh Kim ở Sài Gòn bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Lại thêm một vụ sao chép, nối dài danh sách các ‘nghệ nhân sao chép’ trong làng giáo dục lôi thôi Việt Nam. Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Giáo Dục, còn sao chép thì huống hồ gì những ‘giáo sư’ và ‘tiến sĩ’ trong bộ máy giáo dục do ông cầm trịch. Chẳng ra thể thống và liêm sỉ gì cả. Không thể nào ngăn chặn được nạn chôm chỉa trong giáo dục Việt Nam, khi mà sao chép là ‘chủ trương’ của ‘triết lý giáo dục XHCN,’ trong đó các em học trò tiểu học đã được dạy cách sao chép văn mẫu và mặc nhiên chúng cũng được gián tiếp dạy rằng ăn cắp không phải là hành động xấu và chẳng có gì phải mắc cỡ khi thản nhiên chép lại của người khác. Phải nói là hệ thống giáo dục hiện tại là một bộ máy sao chép khổng lồ, một hệ thống ăn cắp chất xám khổng lồ, một tổ chức vô giáo dục khổng lồ!”

Nhà báo Dương Quang, phó tổng biên tập báo Người Lao Động, bình luận về việc đạo văn trên Facebook rằng: “Bên mình nhận quá trời đơn tố kiểu này nhưng không làm, vì… làm sao cho hết!?”

Nhà báo Hàn Giang, cựu phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, viết trên Facebook cá nhân: “Không cần biết giáo sư tiến sĩ giỏi hay dốt. Chính phủ nên tổ chức một buổi hội thảo quốc tế, mời các giáo sư, tiến sĩ tới nghe và viết một bài thu hoạch nhỏ bằng tiếng Anh. Bảo đảm bảy phần là mù chữ hoặc đạt trình độ A.” (T.K.)

Khánh Hòa “bất lực” vì quá đông du khách ngoại quốc đến

MỚI CẬP NHẬT