Tuesday, April 16, 2024

Tàu buồm của Hải Quân CSVN thăm Thái Lan và Cambodia

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Tin cho hay hôm 15 Tháng Tư, chiếc tàu buồm Lê Quý Đôn (HQ-286) của Hải Quân CSVN rời quân cảng Nha Trang để theo hành trình “huấn luyện thực hành, kết hợp thăm, giao lưu với Hải Quân Cambodia và Thái Lan.”

Thủy thủ đoàn trên tàu buồm Lê Quý Đôn được ghi nhận trong chuyến này là lãnh đạo Học Viện Hải Quân, người của Quân Chủng Hải Quân và học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội, khóa 58 của Học Viện Hải Quân.

Báo Thanh Niên tường thuật: “Chuyến huấn luyện thực hành đi biển đợt này kéo dài một tháng. Đây cũng là dịp để các học viên nâng cao khả năng chỉ huy, thao tác trang bị, vũ khí, xử lý các tình huống thực tế, kết hợp với tuần tra, trinh sát, nắm tình hình trên biển đối với học viên đào tạo sĩ quan hải quân khóa 58 trước khi ra trường.”

Lê Quý Đôn được ghi nhận là tàu huấn luyện dài 67 mét, rộng 10 mét, gồm ba cột buồm cao đến 40 mét và do Công Ty ChoreD của Ba Lan thiết kế.

Theo báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông, chiếc tàu được Việt Nam đặt hàng đóng từ năm 2013 và khởi đóng từ Tháng Bảy, 2014.

Chiếc tàu cập Cảng Nha Trang ngày 27 Tháng Giêng, 2016 sau chuyến hành trình 122 ngày, dài 20,000 hải lý, trải qua hai cơn bão cấp 11 và 4 đợt áp thấp từ khi rời Ba Lan.

Thủy thủ đoàn của tàu gồm 30 người cùng 80 học viên. Chiếc tàu được dự trữ lương thực và nhiên liệu cho hành trình 45 ngày trên biển. Tàu có bốn tàu cứu hộ nhỏ được trang bị kèm theo.

Các nhân viên trên tàu buồm Lê Quý Đôn. (Hình: báo Tiền Phong)

InfoNet cũng tiết lộ: “Tàu Lê Quý Đôn được trang bị bốn súng máy hạng nặng WKM-Bm cỡ nòng 12.7 mm (phiên bản NSV do Ba Lan chế tạo sử dụng cỡ đạn 12.7 x 99 mm). Tàu có các thiết bị thông tin liên lạc, phòng học được lập trình cùng trang bị hiện đại cần thiết khác.”

Còn theo tờ Sức Khỏe và Đời Sống, trong năm 2017, tàu Lê Quý Đôn “đã hoàn thành tốt đẹp các chuyến giao lưu với các đơn vị hải quân trong Quân Chủng và chuyến giao lưu đối ngoại quân sự với Hải Quân Philippines, Trung Quốc và Brunei.”

Truyền thông Việt Nam cho hay, sau tàu Lê Quý Đôn, Ba Lan còn đóng sáu tàu tìm kiếm và cứu hộ (SAR) cho Hà Nội, bốn tàu trong số này được đóng tại Việt Nam dưới hình thức chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Ba Lan. Con tàu đầu tiên được đóng từ đầu năm 2018 và hoàn thành trong bốn năm.

Theo báo Tuổi Trẻ, Ba Lan cho Việt Nam vay $237 triệu để đóng sáu tàu SAR này. “Chi tiết kỹ thuật của các con tàu không được tiết lộ. Thỏa thuận là kết quả của nhiều năm đàm phán giữa Ba Lan với Ủy Ban Quốc Gia Tìm Kiếm Cứu Nạn Việt Nam,” tờ báo cho biết thêm.

Hồi cuối năm ngoái, báo Thời Đại viết: “ Hải Quân Việt Nam đã được ưu tiên đầu tư mua sắm nhiều vũ khí trang bị thế hệ mới, đặc biệt là tàu nổi và tàu ngầm.”

Tờ báo cũng điểm qua đến nay Việt Nam có sáu tàu ngầm Kilo-636.1, ba tàu hộ vệ tên lửa Gepard (mang tên Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ và Trần Hưng Đạo), cùng tàu nghiên cứu biển Trần Đại Nghĩa, tàu vận tải Trường Sa, tàu bệnh viện Khánh Hòa-01. (T.K.) 

Mời độc giả xem phóng sự “Người Mỹ mang tên Lê Văn Tèo”

MỚI CẬP NHẬT