Friday, March 29, 2024

Tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam 155 km

NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc tiến gần hơn nữa về phía bờ biển Việt Nam vào hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Chín, 2019, theo dữ kiện thông tin hàng hải được phổ biến trên mạng Twitter.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 1 Tháng Chín, tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất Bát Hào) đi vào tọa độ chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 83.7 hải lý (155km), theo nhóm thông tin tình hình Biển Đông trên Twitter (South China Sea @SCS) gửi tin tức đến nhóm chuyên viên quốc tế theo dõi sát các diễn biến thời sự ở khu vực.

Đây là điểm tiến gần bờ biển Việt Nam nhất (Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận) kể từ khi nó được đưa tới hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính trong thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu Tháng Bảy, 2019.

Trong số những tàu hộ tống và bảo vệ cho Haiyang Dizhi 8, theo SCS@SCS, chiếc tàu hải cảnh Haijing 37111 còn gần hơn nữa về phía Việt Nam tại khoảng cách 82.9 hải lý (153.5km).

Sự kiện này cho thấy Bắc Kinh lấn dần về phía bờ biển Việt Nam như sự thách thức xem nhà cầm quyền CSVN dám phản ứng gì cụ thể mạnh bạo hơn ngoài một vài tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bám theo ngó chừng và những công hàm, những lời phản đối không có tác dụng của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN.

Trong khi có những nhóm chuyên viên quốc tế theo dõi sát diễn biến liên quan đến hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam trên Biển Đông, Hà Nội hoàn toàn nín lặng và chỉ đưa tin một cách mơ hồ. Báo chí của chế độ chỉ lập lại những lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cùng với những lời bàn luận vòng quanh của các chuyên viên trong và ngoài nước.

Hôm Thứ Bảy, 31 Tháng Tám, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) phỏng vấn ông Greg Poling, giám đốc Chương Trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington D.C. Ông cho rằng Việt Nam “cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.”

Đồ họa hướng di chuyển của tàu Haiyang 8 những ngày gần đây đến ngày 1 Tháng Chín 2019. (Hình: SCS@SCS)

Theo lời ông Poling trong cuộc phỏng vấn “Nếu chúng ta muốn Trung Quốc thay đổi hành vi của mình, cách duy nhất đó là phải làm Trung Quốc thấy rằng nước này sẽ phải trả giá.”

Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Hà Nội không có khả năng buộc Bắc Kinh “trả giá” với cách đối phó như hiện nay trong khi vẫn lệ thuộc về kinh tế và một mặt vẫn còn bám vào cái dù “đồng chí cộng sản anh em” để tồn tại.

Liên tiếp các ngày trong tuần qua và ít ngày trước đó, người ta thấy 3 nước mạnh nhất trong Liên Âu (Pháp, Anh, Đức) và Ấn Độ ra tuyên bố lên án Bắc Kinh chèn ép Việt Nam. Lãnh tụ các nước Úc, Malaysia lên án Bắc Kinh. Đặc biệt, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Thượng và Hạ Viện Hoa Kỳ đều ra các bản tuyên bố lên án Bắc Kinh. Đây là những hậu thuẫn chính trị cho Việt Nam đồng loạt chưa từng thấy trước đây.

Hai ngày vừa qua, khi tiếp đón Tổng Thống Duterte của Philippines ở Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tường thuật, vẫn cả quyết coi phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế ngày 12 Tháng Bảy, 2016 như tờ giấy lộn, khi ông ta phản ứng lại lời của tổng thống Philippines. Chứng tỏ tham vọng Bắc Kinh muốn nuốt gọn Biển Đông trong cái vạch 9 đoạn “Lưỡi bò” vẫn không đổi.

Việc tàu Haiyang Dizhi 8 tiến gần hơn về phía bờ biển Việt Nam trong khi cho những tàu Haiyang Dizhi khác ngang nhiên xâm lấn hoạt động tại các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Malaysia cho thấy Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm, không coi phải ứng của các nước nhỏ ở khu vực, cũng như những lời lên án họ tại các cường quốc ngoài khu vực, chẳng làm họ từ bỏ lòng tham không đáy. (TN)

MỚI CẬP NHẬT