Thursday, March 28, 2024

Tết là để sống thảnh thơi, cân bằng

Tết truyền thống là khoảng thời gian quý báu trong năm để người dân hưởng an nhàn, chăm chút cho các giá trị tinh thần, làm hài hòa các mối quan hệ cộng đồng và tương quan với tự nhiên.

Thử lật lại những trang ghi chép, sưu khảo về phong tục Tết nhất của người Việt của Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh – công bố trong khoảng những năm đầu đến giữa thế kỷ XX, sẽ nhận ra điều này.

Cụ Phan Kế Bính mô tả Tết Nguyên Đán trong chương Tứ Thời Tiết Lập (cuốn Việt Nam phong tục) khá ngắn gọn và chi tiết về các sinh hoạt của người Việt nơi thôn quê lẫn thành thị trong mấy ngày Tết.

Chuyện người đi làm ăn xa nghỉ việc về nhà ăn Tết, thầy đồ viết câu đối bán, rồi thì cách Tết vài hôm, người ta lau dọn nhà cửa, đồ thờ phượng, treo liễn đối, chặt tre dựng nêu trước sân, chuyện thờ gia tiên, thực hành gia lễ và ngay đến cả chè chén, hội hè hát xướng trong sinh hoạt cộng đồng… cũng mang sắc thái nhàn tản, thanh tao.

Tết, thời gian dường như dừng lại, chậm lại sau những tất bật lam lũ, toan tính của cuộc mưu sinh. Con người làm mới chính mình, ngôi nhà mình, cộng đồng mình sống.

Tiết Nguyên Đán được hiểu là “những buổi rạng đông của sự khởi đầu” – học giả Nguyễn Văn Huyên viết trong bài Tết Nguyên Đán của người Việt Nam đăng trên tờ Indochine, Hebdomadaire Illustré (số 75-76, tháng 8 năm 1941) – “Ngày này là lúc khởi đầu của năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó (Nguyên Đán) là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo.”

Trước đó, những ngày giáp Tết, trong ghi chép của cụ Nguyễn Văn Huyên, là khoảng thời gian “hoạt động kinh tế khẩn trương. Việc mua bán phát triển một cách lạ thường ở tất cả các chợ trong nước.” Và nhu cầu được hưởng thụ, thỏa mãn, tái tạo năng lượng cho một năm mới được thể hiện ở chỗ “nếu như trong năm, người ta có rất ít nhu cầu thừa, và nếu người ta chỉ ăn một suất ít ỏi, thường dưới mức tối thiểu mà cơ thể đòi hỏi, thì trong ngày Tết, người ta cố gắng để ăn no nê hơn bình thường.”

Cần nhớ, giai đoạn bài báo này ra đời là năm 1941, đó là thời điểm mà nhiều vùng nông thôn miền Bắc, cái ăn, cái đói vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Bốn năm sau khi bài báo này ấn hành, nạn đói lịch sử Ất Dậu đã xảy ra lấy đi sinh mạng gần 2 triệu người.

Ngày Tết của năm đầu thập niên 1940 vẫn được ghi chép đầy tươi tắn, bởi có sự hưng phấn lan tỏa trong tâm thức cộng đồng, một sự “nhất trí” cao. Điều này được cụ Huyên giải thích: “Ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp sự nối tiếp nhau của các mùa, Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình hay công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra, và cuộc sống tình cảm của nông dân nước ta, rất kình địch nhau, mới biểu lộ một cách trịnh trọng nhất. Các gia đình, thông thường khép mình lại và bị giam hãm trong nỗi âu lo của đời sống hàng ngày ít nhiều ích kỷ, thì chìa rộng bàn tay cho nhau. Mọi người chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc mà chẳng thấy có ẩn ý gì cả. Và dường như ai cũng thấy ở sự thịnh vượng của láng giềng vẻ thanh bình và yên ổn của tất cả mọi người.

Biểu hiện “hậu Tết” là những lễ hội liên miên, khi nhu cầu tâm linh, cảm xúc cộng đồng được dâng cao. Tết không còn là ngày, mà là mùa. Một mùa để cư dân sống nhàn, tận hưởng thời gian.

Nhưng Tết không chỉ là sự hướng ngoại, đó còn là dịp để người ta lắng đọng, chăm chút cho nội tâm, qua việc rước lộc chữ về nhà cầu phúc, kẻ sĩ thì có tục khai bút đầu Xuân… Trong mỗi gia đình, không gian tâm linh được chăm sóc kỹ lưỡng, các đồ vật thờ được lau chùi đánh bóng, nhang đèn tinh tươm. Lòng trí con người hướng về tiền nhân, nghi lễ gia tiên được thực hành một cách nghiêm mật. Tết như một khoảng thời gian mà chiếc cầu nối âm dương giữa cháu con đang sống với tổ tiên đã khuất được kết nối một cách nghiêm mật. Cụ Đào Duy Anh viết: “Trong ba ngày mùng một, mùng hai, mùng ba thì suốt đêm ngày lúc nào cũng có hương đèn và lễ vật để cúng tổ tiên. Đến chiều mùng ba hay sáng mùng bốn thì làm lễ “đưa ông bà” và đốt vàng bạc, quần áo giấy đã cúng trong ba ngày Tết” (cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương).

Vậy, Tết cổ truyền cho cùng là khoảng thời gian mà ông bà ta gác việc lại để thụ hưởng cuộc sống, thời gian, được sống hướng tới an hòa với tha nhân, thuận thảo với gia đình xóm giềng và hài hòa với tự nhiên, đất trời. Niềm “hoan hỉ” của Tết được cụ Nguyễn Văn Huyên ghi lại: “Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở. Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến, và ăn tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hàng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hàng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm.”

Tết, như một điểm mốc, khúc dạo đầu cho một quãng thời gian sống đầy mới mẻ. Ở đó, con người, trong thảnh thơi và an nhàn, được đặt mình trở về trong cấu trúc nhất thể hóa với tự nhiên, khoan hòa trong trật tự nhân quần để tái tạo năng lượng và kiến tạo những tương quan bền vững, làm cơ sở khởi đầu cho năm mới tốt lành.

Những gì mang mã gene văn hóa, đem lại cho con người ta một cơ chế tự cân bằng trong tinh thần thì không dễ gì dẹp bỏ bằng ý chí. Thử bỏ qua những “tiếp biến,” “biến tướng” và tệ đoan (mà có lẽ thời nào cũng có!), lặn sâu vào trong nhân sinh quan, thế giới quan hình thành tâm thức văn hóa cộng đồng, sẽ hiểu vì sao, dù có nảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữ hay bỏ, thì trong thực tế đời sống dân gian Việt Nam, Tết vẫn còn đó, đâu dễ gì phai nhạt hay mất đi. (Nguyễn Vĩnh Nguyên)

MỚI CẬP NHẬT