Friday, March 29, 2024

Tết này Việt Nam sẽ ít lễ hội chọi trâu?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Nhiều địa phương đua nhau xin giấy phép tổ chức lễ hội chọi trâu, nếu không được thì chuyển sang xin chọi dê, đua ngựa.”

Đó là lời của một viên chức Bộ Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch được báo Người Lao Động trích lời, khi năm 2018, bộ này “triệt để không tổ chức những hoạt động lễ hội mang tính bạo lực.”

Một lãnh đạo Sở Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch tỉnh Tuyên Quang được báo này trích lời nói: “Chọi trâu thì ở đâu cũng có những hình thức giống nhau. Hai con trâu ở Hải Phòng đấu với nhau có khác gì hai con trâu ở Tuyên Quang. Nhưng hiện nay, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn được phép diễn ra, còn ở Tuyên Quang và nhiều địa phương khác phải tạm dừng vì lý do… phản cảm, bạo lực. Khi chúng tôi giải thích với người dân thì họ không chịu và chưa thật sự tâm phục khẩu phục. Tỉnh tôi đã tạm thời dừng cấp phép lễ hội chọi trâu nhưng vẫn mong bộ có hướng dẫn cụ thể về việc thế nào là phản cảm, tại sao lại không được phép.”

Lễ hội chọi trâu ở Việt Nam được nhiều người biết đến và gây tranh cãi nhiều nhất là ở Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, diễn ra vào ngày 9 Tháng Tám Âm Lịch hằng năm. Thậm chí sự kiện này còn được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam” hồi năm 2013.

Hồi Tháng Chín, 2017, lễ hội này đã xảy ra tai nạn khi một con trâu húc chết người tại vòng loại và công luận đòi ngừng tổ chức nhưng vòng chung kết vẫn diễn ra bình thường với sự góp mặt của 18 con trâu.

Ban tổ chức sự kiện cho biết có tới 20,000 khán giả tham dự. Đáng nói là ngay cạnh sân vận động có những quầy sạp bán thịt của trâu chọi thua trận với giá khoảng 2 triệu đồng (khoảng $88)/kg. Ngoài tiền thu được nhờ bán vé và bán thịt trâu, các lễ hội chọi trâu đều có “hình thức cờ bạc, cá cược trá hình, gây bất ổn trên địa bàn,” theo ghi nhận của các báo Việt Nam.

Hồi Tháng Mười Một, 2017, Tổ Chức Động Vật Châu Á (Animals Asia) gửi thư đến chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng kêu gọi chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhưng không nhận được phản hồi.

Bức thư dẫn lời ông David Neale, giám đốc phúc lợi động vật của Animals Asia, viết: “Việc chứng kiến động vật chọi nhau và sau đó chúng bị giết để lấy thịt bán ngay bên ngoài đấu trường có thể khiến con người ngày càng trở nên vô cảm trước những hành vi bạo lực, đặc biệt là với trẻ em khi tâm lý và nhận thức còn chưa đủ vững vàng và dễ bị tổn thương. Lễ hội chọi trâu nuôi dưỡng và khuyến khích các hành vi bạo lực và đang ngày càng trở nên thương mại hóa.”

Ngoài chọi trâu, lễ hội chém lợn được tổ chức vào ngày mùng 6 Tháng Giêng Âm Lịch hằng năm tại làng Ném Thượng ở tỉnh Bắc Ninh cũng gây tranh cãi về hành vi bạo lực.

Dịp Tết năm ngoái, trước phản ứng của công luận, việc chém lợn không còn diễn ra công khai trước đám đông và không để cho mọi người tranh nhau lấy tiền quẹt vào máu lợn để cầu may. Thay vào đó, một góc sân đình Ném Thượng đã được quây lại, căng bạt che kín việc chém lợn và làm cỗ ngọc tế thánh.

Một số báo Việt Nam thời điểm đó ghi nhận nhiều người dân làng Ném Thượng “tỏ ra khá buồn khi chứng kiến màn chém lợn tế thánh không diễn ra công khai như truyền thống mọi năm.” (T.K.)

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chàng ăn mày sách với chương trình Sách hóa nông thôn”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT