Friday, March 29, 2024

Thái Nguyên kiểm tra lại các bản án của thẩm phán xài bằng giả

THÁI NGUYÊN, Việt Nam (NV) – Nữ thẩm phán tòa án thành phố Thái Nguyên bị tố sử dụng bằng giả đã bị cho “ngồi chơi xơi nước.” Hàng ngàn vụ án do bà này xét xử cũng đang được cho kiểm tra, rà soát lại.

Ngày 13 Tháng Chín, nói với báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh án tòa án thành phố Thái Nguyên, cho hay: “Sẽ rà soát toàn bộ bản án, quyết định do Thẩm Phán Nguyễn Thị Nga ban hành.”

Ông cho biết, việc Thẩm Phán Nguyễn Thị Nga (41 tuổi) sử dụng bằng trung học phổ thông giả để thi vào trường Đại Học Luật Hà Nội rồi ra làm nghề, được giới chuyên môn đánh giá là “đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm.” Chính vì lẽ đó, ngành tòa án tỉnh Thái Nguyên quyết định sẽ tiến hành rà soát toàn bộ bản án, quyết định do Thẩm Phán Nga ban hành, qua đó phúc trình lãnh đạo tỉnh để xem xét, đánh giá.

“Để tránh những sai phạm nghiêm trọng tương tự, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ cán bộ liên quan đến hai cấp tòa huyện và tỉnh. Sau khi xem xét, hiện tại chưa phát giác trường hợp nào tương tự như bà Nga,” ông nói.

Liên quan đến vụ việc, ngày 11 Tháng Chín, ông Lê Tiến Châu, hiệu trưởng Trường Đại Học Luật Hà Nội, đã ban bố quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp đại học luật của bà Nguyễn Thị Nga, với lý do “bà Nga đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả để thi vào trường.”

Trước đó, sau khi có đơn tố cao bà Nga sử dụng bằng giả, trả lời tòa án tỉnh Thái Nguyên về chuyện bà Nga đã tốt nghiệp trung học phổ thông hay chưa, Sở Giáo Dục tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản khẳng định “bà Nguyễn Thị Nga đã thi trượt tại kỳ thi tốt nghiệp năm 1994.”

Chưa tin vội, tòa án tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xác minh tại trường cấp 3, nơi bà Nga đã học. Khi đối chiếu các thông tin trên văn bằng của bà Nga, cơ quan chức năng mới phát giác, số hiệu trên bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mang tên một người khác.

Thế nhưng không thừa nhận sự dối trá của mình, bà Nga đã có văn bản biện minh rằng: “Sau khi có điểm thi tốt nghiệp, tôi đã làm đơn phúc khảo bài thi và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Tôi dùng giấy này để dự thi và trúng tuyển Trường Đại Học Luật Hà Nội. Đến năm 1999, thì được cấp bằng tốt nghiệp cử nhân Luật hệ chính quy.”

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu, với việc sử dụng bằng giả nên “Từ ngày 7 Tháng Chín, 2017, toàn bộ kết quả học tập cũng như tấm bằng tốt nghiệp Đại Học Luật Hà Nội của bà Nga bị vô hiệu.” (Tr.N)

Bắt quả tang thực phẩm bẩn được đưa vào bếp ăn trường học ở Vĩnh Phúc

MỚI CẬP NHẬT