Friday, April 19, 2024

Thêm 15 ca COVID-19, Việt Nam gia hạn phong tỏa phi trường Vân Đồn

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cục Hàng Không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao Thông Vận Tải cho gia hạn thêm thời gian đóng cửa phi trường Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi đón các chuyến bay “giải cứu,” từ các vùng dịch trên thế giới về Việt Nam.

Tính đến chiều tối 19 Tháng Hai (Mùng Tám Tết), Bộ Y Tế CSVN đã ghi nhận thêm 15 ca mới lây nhiễm cộng đồng ở Hải Dương, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,362 người.

Phi trường Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nơi đón các chuyến bay “giải cứu,” từ các vùng dịch trên thế giới về Việt Nam tiếp tục bị đóng cửa. (Hình:Thanh Bình/Giao Thông)

Như vậy, từ hôm 28 Tháng Giêng đến 19 Tháng Hai, Bộ Y Tế đã ghi nhận 770 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (590), Quảng Ninh (60), Sài Gòn (36), Hà Nội (36), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hưng Yên (2), Bắc Giang (2), Hà Giang và Hải Phòng mỗi nơi một ca.

Báo VNExpress dẫn lời Bác Sĩ Phạm Thế Thạch, phó Khoa Hồi Sức Tích Cực bệnh viện Bạch Mai, đang tăng cường tại bệnh viện Dã Chiến số 2 Hải Dương, cho biết Phòng Hồi Sức Tích Cực (ICU) của bệnh viện số 2 đang có chín ca, trong đó có một bệnh nhân nam 60 tuổi, ở Hải Dương mới nhập viện trưa 18 Tháng Hai, đã chuyển biến từ nặng sang nguy kịch chỉ sau một đêm, phổi đông đặc hai bên, phải dùng thuốc an thần, lọc máu, do COVID-19 biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển) phải đặt ECMO (tim phổi ngoài cơ thể).

Trước tình trạng dịch bệnh “diễn biến phức tạp,” tại Việt Nam, báo Tuổi Trẻ cho hay Cục Hàng Không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao Thông Vận Tải “xem xét cho gia hạn thêm thời hạn đóng cửa tạm thời” phi trường Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, từ 12 giờ trưa 21 Tháng Hai đến 6 giờ sáng 3 Tháng Ba, nhằm kéo dài thời gian cách ly tại nơi cư trú của cán bộ, nhân viên làm việc tại phi trường này theo quy định đến hết ngày 2 Tháng Ba.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, sáng 19 Tháng Hai, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hưng Yên đã ra công văn “Hỏa tốc” gửi các cơ quan hữu trách, các doanh nghiệp yêu cầu “kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh, tiếp tục dừng tiếp nhận người đến từ vùng có dịch ở tỉnh Hải Dương và các khu vực ở Việt Nam có quyết định phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Người từ vùng có dịch nếu vẫn cố tình vào Hưng Yên, thì bắt buộc phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung hoặc cơ sở lưu trú và tự trả phí cách ly.”

Chủ doanh nghiệp, cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp phải xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả xét nghiệm âm tính thì mới được đi làm. Riêng cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước và người dân khi đến hoặc trở lại Hưng Yên “phải có giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính thì mới được đi lại, làm việc.” Nếu không, thì phải thực hiện tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà đủ 14 ngày.

Trong một diễn biến khác, sau lo ngại những người trở về từ vùng dịch giấu giếm thông tin, thì giới chức Hà Nội đang “đau đầu” trước tình trạng người không trở về từ Hải Dương khai gian trở về từ đây để được xét nghiệm COVID-19 miễn phí.

Theo phúc trình của ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cập nhật đến 2 giờ chiều 19 Tháng Hai, Hà Nội đã ghi nhận 36,962 người về từ Hải Dương từ hôm 2 Tháng Hai, trở lại đây, tăng vọt gấp gần 4 lần so với dự kiến ban đầu (và con số vẫn chưa dừng lại) chỉ khoảng 10,000 người.

Một bệnh nhân COVID-19 ở Hải Dương đang được bác sĩ chữa trị. (Hình: VNExpress)

“Có hiện tượng số lượng người khai về từ Hải Dương tăng lên rất đông. Mục đích của chúng ta là tránh bỏ lọt, nhưng người dân không thuộc diện mà xét nghiệm sẽ trở thành lãng phí,” ông Hạnh nói với báo Thanh Niên.

“Một người đi về từ Hải Dương kéo theo từ 3 đến 4 người trong nhà đi xét nghiệm là không đúng, còn liên quan đến ngân sách của thành phố,” ông Chử Xuân Dũng, phó chủ tịch Hà Nội, nói và yêu cầu các quận, huyện, thị xã “rà soát danh sách người về từ Hải Dương phải khoa học bài bản, rõ người, rõ trách nhiệm.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT