Friday, April 19, 2024

Thêm 21 ca COVID-19 mới, các phi trường lo thành ‘ổ dịch,’ siết nhân viên

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cho rằng các nhân viên, công nhân bốc xếp hàng hóa trong phi trường là nhóm “nguy cơ cao,” và có thể thành “ổ dịch,” nhiều phi trường ở Việt Nam đã ra lệnh xét nghiệm tất cả nhân viên, thậm chí bắt xét nghiệm hằng ngày…

Tính đến chiều tối 10 Tháng Hai, Bộ Y Tế CSVN đã ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới lây nhiễm, trong đó có 20 ca cộng đồng ở Sài Gòn, Hải Dương, Gia Lai và Quảng Ninh, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,091 người.

Nhân viên phi trường Nội Bài xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19. (Hình: Hoàng Phong/Tuổi Trẻ)

Như vậy trong 14 ngày từ hôm 28 Tháng Giêng đến 10 Tháng Hai, Bộ Y Tế ghi nhận 504 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm: Hải Dương (341), Quảng Ninh (54), Sài Gòn (34), Hà Nội (28), Gia Lai (26), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hưng Yên (2), Bắc Giang (2), Hà Giang và Hải Phòng mỗi nơi một ca. Hưng Yên là tỉnh thứ 13 ghi nhận có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Theo báo VNExpress, tối 9 Tháng Hai, ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch thành phố Hà Nội, đã ký văn bản yêu cầu người dân thành phố này “từng có mặt ở vùng dịch, các điểm liên quan tới ca bệnh hoặc đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID 19, phải cách ly tại nhà và khai báo y tế.”

Trước đó, từ chiều kéo dài đến đêm 9 Tháng Hai, do phi trường Nội Bài “là nơi tiềm ẩn rủi ro cao về nguy cơ lây nhiễm COVID-19” với lượng hành khách đi và đến mỗi ngày rất lớn, nên gần 10,000 cán bộ, nhân viên phi trường Nội Bài là “đối tượng nguy cơ” bị bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 dưới sự chỉ đạo của Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, Sở Y Tế Hà Nội.

Tương tự, sau khi có thêm bốn ca COVID-19 mới, tỉnh Gia Lai đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tất cả 234 cán bộ, nhân viên tại phi trường Pleiku và may mắn đều âm tính.

Trong khi đó, 1,622 công nhân bốc xếp hàng hóa trong phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) là “nhóm nguy cơ cao,” nên phải xét nghiệm hằng ngày, kết quả âm tính mới được đi làm. Trước đó từ ngày 5 Tháng Hai, giới hữu trách ở Sài Gòn đã lấy mẫu xét nghiệm trên 8,000 nhân viên phi trường. Riêng nhóm công nhân bốc xếp đã xét nghiệm hai lần.

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang đã ra văn bản yêu cầu các huyện, thị “khẩn trương chỉ đạo rà soát, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm người về từ Sài Gòn từ ngày 7 Tháng Hai, trở lại đây. Đối với người về từ Hà Nội và các tỉnh khác “tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch của trung ương, của tỉnh.”

Khu vực cách ly tập trung của quân đội tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. (Hình: Võ Hải/VNExpress)

Ông Đỗ Xuân Tuyên, thứ trưởng Bộ Y Tế, khẳng định từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, Việt Nam luôn chống dịch theo nguyên tắc “cách ly, khoanh vùng, dập dịch.” Chính phủ giao ủy ban cấp tỉnh “căn cứ vào tình hình cụ thể, để quyết định việc cách ly (phong tỏa) một địa điểm ‘theo diện hẹp,’ nơi có ca nhiễm COVID-19.”

“Vì vậy, ổ dịch (vùng dịch, điểm dịch) có thể là một cụm dân cư, khu chung cư, ngõ phố, khu phố, thôn, bản, xã hoặc rộng hơn là thành phố. Những nơi đã được chính quyền địa phương quyết định phong tỏa mới được coi là ổ dịch,” ông Tuyên giải thích.

Trong một động thái liên quan đến dịch bệnh COVID-19, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Giáo Sư Đặng Đức Anh, viện trưởng Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương, cho biết vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh Phẩm Y Tế (IVAC) của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất “có thể hiệu quả với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 , song cần tiếp tục nghiên cứu.”

Theo Giáo Sư Đặng Đức Anh, tất cả số liệu hiện có cần tiếp tục theo dõi, vì đây là biến thể mới xuất hiện. Virus sẽ tiếp tục thay đổi, có những đột biến khác nên “cần giám sát hết sức chặt chẽ sự lưu hành của chúng để đánh giá được hiệu quả, độ bảo vệ của vaccine.”

“Hiện nay, vaccine vẫn đáp ứng được những biến thể virus mới. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy đối với biến thể Nam Phi, tác dụng của vaccine giảm một chút,” ông Đức Anh nói. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT