Tuesday, March 19, 2024

Việt Nam đòi Trung Quốc ‘chấm dứt cho máy bay ném bom ra Hoàng Sa’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt cho máy bay ném bom ra Hoàng Sa” trong một phản ứng hơi chậm chạp sau khi Mỹ đã lên tiếng trước.

Hôm 21 Tháng Năm, 2018, Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.”

Hôm 18 Tháng Năm, 2018, tờ China Daily ở Bắc Kinh đưa tin cùng với video clip cho thấy máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang cả bom nguyên tử H-6K cùng máy bay chiến đấu đã tập đáp xuống và cất cánh từ phi đạo của đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Ngay sau khi có tin vừa kể, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã lên tiếng lên án hành động của Bắc Kinh là chỉ “tạo thêm căng thẳng và làm mất ổn định cho khu vực.”

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, bà Lê Thu Hằng lập lại tuyên bố về chủ quyền biển đảo từng được nói đi nói lại là “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Máy bay ném bom tầm xa H-6K đáp xuống Phú Lâm ngày 18 Tháng Năm, 2018. (Hình: NV cắt từ China Daily clip)

Bà Hằng tố cáo: “Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.” Theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam.

Có vẻ như hành động của Bắc Kinh cho máy bay ném bom tầm xa tới Phú Lâm nhằm thách đố xem Washington dám làm gì khi nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders ngày 3 Tháng Năm, 2018, cảnh cáo Bắc Kinh sẽ nhận lấy “những hậu quả cả ngắn hạn và dài hạn” nếu cứ tiếp tục các hành động quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Các tấm không ảnh của tổ chức Digital Globe phổ biến trên trang mạng Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) những tháng qua cho thấy 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc cướp của Việt Nam từ năm 1988 tại quần đảo Trường Sa đã biến thành 7 căn cứ quân sự quy mô trên biển.

Ba trong 7 đảo đó có các phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc sử dụng. Các cơ sở quân sự gồm đài radar, vị trí hỏa tiễn phòng không, hệ thống viễn thông, nhà chứa máy bay đã sẵn sàng sử dụng.

Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, nhất là đảo Phú Lâm, cũng được Bắc Kinh cơi nới mở rộng, xây dựng rất nhiều cơ sở quân sự song song với các hành động của họ tại quần đảo Trường Sa.

Các chuyên viên phân tích thời sự đã từng nhiều lần dự báo việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian, tùy theo tình hình diễn tiến thời sự. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT